Trong tâm trạng bồi hồi, xúc động, chúng tôi thành kính thắp nén hương thơm và báo công dâng Bác, nguyện phấn đấu, nỗ lực không ngừng để xứng đáng với những lời dạy và tình cảm thân thương lúc sinh thời Bác dành cho những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Về thăm quê Bác lần này, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Ninh Bình, Đài PT -TH tỉnh và hội viên Câu lạc bộ nhà báo nữ cùng có chung tâm trạng bồi hồi, xúc động khi được về tìm hiểu làng quê nơi đã sinh ra Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Hòa cùng dòng người hành hương về làng Sen, chúng tôi bắt gặp những cụ già râu tóc bạc phơ, những em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc và cả những vị khách quốc tế. Tháng sáu, đang là tiết trời đầu hạ, khắp làng Sen ngan ngát hương sen. Dọc đường vào Khu di tích Kim Liên, hoa sen nở thắm ao làng. Một làng quê như mọi làng quê Việt Nam, cũng cây đa, bến nước, sân đình, từng khóm tre, rặng râm bụt, hàng cau thon thả, tất cả gợi nhớ về những kỷ niệm thân thương, câu hát ru ầu ơ của bà, của mẹ. Thắp nén hương thơm thành kính tại Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi bồi hồi báo công dâng Bác: "Thưa Bác, nhớ lời Bác dặn, trong nhiều thập kỷ qua, cùng với giới báo chí cả nước, giới báo chí Ninh Bình đã không ngừng học tập, trau dồi đạo đức của người làm báo cách mạng, hoàn thành tốt trọng trách là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Hôm nay về báo công dâng Bác, mỗi người làm Báo Ninh Bình nguyện suốt đời phấn đấu noi gương Bác, noi gương người sáng lập và cũng là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam...".
Theo hướng dẫn của cán bộ Khu di tích, chúng tôi tới thăm nhà Bác ở quê nội. Đang là tiết trời mùa hạ oi ả, song du khách thập phương vẫn nối đuôi nhau hội tụ về quê Bác để tham quan, tìm hiểu. Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho chúng tôi biết, mỗi năm Khu di tích Kim Liên đón hàng triệu lượt khách đến tham quan. Cán bộ, nhân viên Khu di tích rất tự hào được làm việc trên quê hương Bác Hồ và nhận thức rõ trách nhiệm của mình, từ đó càng nỗ lực, cố gắng để tổ chức đón tiếp khách, phục vụ khách tận tình, chu đáo, đáp ứng tình cảm, nhu cầu tham quan, tìm hiểu của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Làng Hoàng Trù- quê ngoại Bác Hồ.
Men theo hàng rào râm bụt, chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ đơn sơ, giản dị. Bàn thờ làm bằng tre, tấm phản gỗ, chiếc giường nhỏ... Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi khi nghe cô Bùi Bích Đảm, cán bộ Khu di tích Kim Liên giới thiệu về những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Người. Đây là ngôi nhà dân làng Kim Liên dựng lên để đón bố con ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trở về quê nội, sau khi ông đỗ Đại khoa. Nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình đã có những ngày tháng sống thanh bạch, ấm cúng trong tình yêu thương của bà con làng xóm. Cũng chính nơi đây, qua những buổi được tiếp nước, hầu trà cho cha cùng bạn hữu, các vị chí sĩ yêu nước xướng họa, bình văn, đàm đạo thời cuộc, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm nảy nở lòng yêu quê hương, đất nước, ý chí cứu nước, cứu dân. Ngày 16-6-1957, sau hơn 50 năm xa cách quê hương, Bác Hồ mới có dịp trở lại làng Sen. Lần đó, Bác đã xúc động đọc 2 câu thơ "Quê hương nghĩa nặng tình cao - Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình". Hôm nay, được về làng Sen, những người làm Báo của vùng đất Cố đô lịch sử bồi hồi nhớ Bác, lặng đi vì xúc động khi nghe cán bộ Khu di tích đọc bức thư Bác gửi về khi nghe tin anh cả Nguyễn Sinh Khiêm qua đời. Trong thư có câu "Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước". Bác của chúng ta đó, một con người giản dị và thanh cao, cả cuộc đời vì nước, vì dân. Mang trong lòng mình nỗi nhớ da diết về làng Sen, về những người thân yêu ruột thịt, song vì việc nước, Bác đã hy sinh tình nhà.
Rời "Làng Sen quê cha", chúng tôi về "Hoàng Trù quê mẹ" của Bác Hồ, nơi đây cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời và ở đó gần chẵn mười năm đầu của cuộc đời thơ ấu. Bên chiếc giường nhỏ là chiếc rương gỗ, món quà hồi môn bà ngoại cho bà Hoàng Thị Loan ngày đi lấy chồng. Theo lời giới thiệu của cán bộ Khu di tích, tuổi thơ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương này để chập chững bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Nối dài những bước đi ấy, Nguyễn Sinh Cung đã trở thành Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh. Thăm quê ngoại của Bác, chúng tôi được nghe kể về bà Hoàng Thị Loan. Vẫn còn đó khung cửi dệt vải gợi nhớ hình ảnh người vợ hiền tần tảo sớm hôm, lam làm nuôi chồng con ăn học. Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến dãy núi Đại Huệ, nơi có khu mộ bà Hoàng Thị Loan yên nghỉ. Công trình tôn tạo khu mộ vừa được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước. Đây là công trình văn hóa tâm linh, thể hiện tấm lòng thành kính và tình cảm thiêng liêng đối với người mẹ đã sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tạm biệt quê nội làng Sen, quê ngoại làng Hoàng Trù và khu mộ bà Hoàng Thị Loan, chúng tôi ra về trong dòng cảm xúc dạt dào về một miền quê nơi gắn bó tuổi thơ Bác Hồ. Dọc đường về, những ca khúc nặng tình non nước xứ Nghệ, ca khúc về Bác Hồ cứ văng vẳng bên tai. Tháng sáu, nắng dát vàng trên quê hương Nam Đàn. Từng dòng người vẫn đổ về làng Sen để tìm hiểu về mảnh đất "Địa linh nhân kiệt" - nơi đã sinh ra, nuôi lớn và hình thành nhân cách của người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh.
Thu Thủy