Từ sáng sớm, dù trời trở mưa nhưng từng đoàn người, xe đã tấp nập đổ về xã Trường Yên - tâm điểm của lễ hội mong được chứng kiến đầy đủ nội dung nghi thức của phần lễ cũng như tham dự các hoạt động vui chơi, giải trí của lễ hội. Với nhiều người, dù đây không phải lần đầu về dự lễ hội nhưng cảm xúc dường như vẫn mới mẻ. Ông Nguyễn Đình Lưu, 75 tuổi, quê ở Ninh Hòa (Hoa Lư) nói: Tôi vẫn thường xuyên về dự lễ hội Cố Đô Hoa Lư, trước kia các cụ gọi là hội Trường Yên. So với trước, Lễ hội Hoa Lư đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn giữ được nét truyền thống thông qua lễ rước nước, nghi thức tế lễ tại 2 ngôi đền vua Đinh và vua Lê. Tôi thấy việc tổ chức diễn lại các tích trên sân khấu cũng rất hay, giúp mọi người dễ hình dung cả một giai đoạn lịch sử, những công lao của Vua Đinh, Vua Lê trong việc thống nhất đất nước, xây dựng nền độc lập của dân tộc.
Trong tâm thế của một người con quê hương về dự lễ, tôi cũng hòa vào dòng người tham gia lễ rước nước, một trong những nội dung chính của lễ hội. Theo quan niệm của người xưa, nước mang về tế lễ tại 2 ngôi đền phải được lấy từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc. Vị trí lấy là ở giữa dòng sông Hoàng Long, được đánh dấu bằng một cây nêu. Tương truyền rằng đó chính là vị trí mà Rồng Vàng đã nổi lên để đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông, tránh được cơn thịnh nộ của người chú ruột. Ngoài ý nghĩa tri ân công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế - người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, lễ rước nước còn là dịp để người dân cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt - đó cũng chính là nét văn hóa đậm chất của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ, được hình thành, bồi tụ từ lâu đời và còn lưu truyền đến ngày nay.
Lễ rước nước trên sông Hoàng Long.
Sau lễ rước nước, nhân dân và du khách thập phương tập trung về sân trung tâm của khu di tích để chứng kiến giờ phút khai hội. Với việc diễn lại tích " Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế", do Nhà hát chèo Ninh Bình trình diễn, người xem đã được trở về với quá khứ oai hùng của dân tộc. Từ một cậu bé chăn trâu, trí dũng hơn người, Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành một vị Vua có tài trị quốc. Công lao của ông đã được lịch sử ghi nhận. Đất Hoa Lư cũng nhờ đó mà rạng danh. Bao đời qua, người dân Hoa Lư luôn tự hào bởi nơi đây đã từng là kinh đô của 3 vương triều Đinh - tiền Lê - Lý. Hơn một nghìn năm, chính xác là 1041 năm đã trôi qua, cảnh vật đất Cố Đô đã có nhiều thay đổi, nhưng những vật chứng cho những triều đại và chiến công năm xưa vẫn còn đó. Những cái tên như sông Sào Khê, đỉnh Mã Yên, núi Đại Vân, núi Cột cờ… đặc biệt với những dấu tích tìm được của nền cung điện Hoa Lư cũ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Đinh - Lê như muốn nhắc nhở thế hệ mai sau phải ghi nhớ, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Phóng tầm mắt bao quát cả một không gian rộng lớn, tôi hình dung Kinh đô Hoa Lư cách đây hơn 1 nghìn năm. Theo một số nghiên cứu, năm 968 sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư. Với việc lên ngôi Hoàng đế và đặt tên nước riêng, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định rõ chủ quyền quốc gia và ý chí tự lực, tự tôn dân tộc. Dựa vào địa thế hiểm trở, ông đã cho xây thành, đắp lũy. Thành Hoa Lư nằm ở vị trí khá bằng phẳng, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi, giống như những bức tường thành kiên cố. Đến năm 984, sau khi lên ngôi, Lê Hoàn tiếp tục cho xây dựng nhiều cung điện, trong đó điện Bách bảo Thiên tuế ở núi Đại Vân, cột được dát vàng, dát bạc. Đến nay, những cung điện đó chỉ còn để lại dấu tích với một tòa thành rộng khoảng 300 ha, nằm trọn vẹn trong xã Trường Yên. Thành Hoa Lư được chia làm 2 khu vực, thành nội và thành ngoại. Thành ngoại là nơi dựng cung điện chính, rộng khoảng 140 ha, gồm các thôn Yên Thượng, Yên Thành ngày nay.
Người dân đến Lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2009.
Để xây dựng Kinh đô Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, ngoài việc cho xây dựng cung điện, Đinh Tiên Hoàng đã sớm nghĩ đến việc thiết lập bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền có quy củ, đồng thời quan tâm xây dựng quân đội, chăm lo văn hóa, tinh thần, chú trọng phát triển nông nghiệp và một số nghề thủ công khác như: trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa; thuộc da, làm gạch… Kinh tế - xã hội ổn định, phát triển đã đặt cơ sở vững chắc cho Lê Hoàn "kháng Tống bình Chiêm" thắng lợi. Tuy chỉ tồn tại mấy chục năm nhưng Kinh Đô Hoa Lư với việc tồn tại của 3 vương triều Đinh - tiền Lê - Lý sẽ mãi để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nhớ về Cố đô Hoa Lư là người ta nhớ về hình ảnh ông vua " cờ lau tập trận", nhớ về truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự tôn dân tộc. Đây cũng là vùng non nước hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng dễ làm say đắm lòng người. Sau này, khi rời Đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Lý Công Uẩn đã xây dựng Kinh đô mới rộng lớn hơn, tráng lệ hơn, trong đó nhiều công trình kiến trúc và địa danh của Cố đô Hoa Lư đã được ông đặt cho Thăng Long mà ngày nay ta vẫn có thể tìm thấy ở Hà Nội, như: Chùa Một cột (Nhất Trụ), cầu Đông, cầu Dền, núi Cột Cờ…
Với những ý nghĩa trên, Cố đô Hoa Lư đã trở thành điểm nhấn quan trọng, là nơi tìm về của hàng vạn người con đất Việt và du khách xa gần, đặc biệt là vào mùa lễ hội. Chia tay lễ hội Cố đô Hoa Lư, bất chợt tôi nhớ tới câu thơ người dân Cố Đô nhắn nhủ: " Ai là con cháu Rồng Tiên - Tháng ba mở hội Trường Yên thì về".
Trang Nhung - Phạm Trường