Về dự án đạt giải nhất cuộc thi KHKT quốc gia của học sinh trường THPT Hoa Lư A
Thứ Tư, 31/03/2021, 08:32
Zalo
Năm học 2020-2021 là năm tiếp theo trong nhiều năm qua, trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư) tiếp tục có dự án đạt giải tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Đây là cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm, là cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế...
Về dự án đạt giải nhất cuộc thi KHKT quốc gia của học sinh trường THPT Hoa Lư A
Gặp 2 em Nguyễn Trần Đạt, học sinh lớp 12A và Đinh Hoàng Nam, học sinh lớp 11B, trường THPT Hoa Lư A khi các em vừa trở về từ cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 tại Thừa Thiên Huế. Niềm vui, sự tự hào vẫn nguyên vẹn, nhưng sự lo lắng, áp lực trong những ngày diễn ra cuộc thi khiến 2 cậu học trò khá mệt mỏi và thiếu ngủ.
Dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà", của 2 em, thuộc lĩnh vực Hệ thống nhúng đã đạt giải nhất cấp quốc gia trong tổng số 12 giải nhất ở nhiều lĩnh vực. Đây là niềm vui, sự tự hào của các cá nhân và cũng là niềm vinh dự lớn của trường THPT Hoa Lư A khi đây là năm thứ 4, nhà trường tiếp tục có dự án đạt giải nhất và nhì trong một sân chơi lớn, cấp quốc gia.
Để có được thành tích tự hào đó, 2 cậu học trò đã phải nỗ lực, mày mò gần 2 năm trời, với sự hỗ trợ, động viên sát sao, thường xuyên về cả vật chất và tinh thần của nhà trường, gia đình và thầy giáo hướng dẫn. Đặc biệt là Nguyễn Trần Đạt, năm nay đã là học sinh cuối cấp lớp 12 nhưng cậu khá nhỏ bé, cao chưa đến mét rưỡi và cân nặng chỉ hơn 40kg. Vậy nhưng ở cậu học trò nhỏ bé này là một sự đam mê cháy bỏng với công nghệ thông tin và lĩnh vực lập trình.
"Năm học lớp 11, Đạt từng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Tuy không đạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia, nhưng cho thấy, 1 học sinh lớp 11 được chọn trong đội tuyển đi thi cùng các anh chị khẳng định sự nỗ lực của em. Đến năm lớp 12, em tiếp tục được chọn vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia năm học 2020-2021, nhưng em đã từ chối để dành toàn tâm sức cho dự án mà mình cùng bạn theo đuổi. Còn em Đinh Hoàng Nam, từng tham gia cuộc thi "Sáng tạo trẻ" từ năm lớp 6, năm lớp 9 em đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi KHKT với dự án về sinh học-khoa học nghiên cứu động vật; lớp 10 đạt giải khuyến khích cấp tỉnh về dự án hóa học, nghiên cứu về máy đo vật lý... Các em đều là những học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Kết quả đạt được không phụ sự cố gắng của các em..."- thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên môn Vật lý, người hướng dẫn cho biết.
Cũng theo thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, người đồng hành cùng các em từ khi ý tưởng cho dự án được hình thành đến khi hoàn thiện dự thi cấp tỉnh đạt giải nhất; sau đó tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thi cấp quốc gia và đạt giải cao như vậy, là sự cố gắng, đam mê và cả quyết tâm của các em, đến thầy giáo cũng phải nể phục. Như với cả Đạt và Nam, mỗi em đều phát huy hết sức thế mạnh của mình về công nghệ thông tin và lĩnh vực cơ khí để tìm tòi, mày mò, đưa sản phẩm có nhiều tính năng, ứng dụng cao, đạt được ý nghĩa, mục tiêu đề ra...
Trước đó, vào tháng 12/2020, dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của 2 em đã xuất sắc vượt qua hơn 100 dự án tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 tỉnh Ninh Bình, giành giải nhất ở lĩnh vực y tế với số điểm 94/100 điểm, được Ban Tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống và được chọn là 1 trong 2 dự án của tỉnh Ninh Bình tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia với 2 giải nhất năm 2018 và 2021 và 2 giải nhì năm 2019 và 2020.
Em Nguyễn Trần Đạt, học sinh lớp 12A, thành viên dự án cho biết: Ngay khi dự án đạt giải nhất cấp tỉnh, được chọn dự thi cấp quốc gia, bản thân em phụ trách lĩnh vực lập trình đã khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được Ban giám khảo chỉ dẫn. Em và bạn Nam đã thay đổi một số phần nhỏ của sản phẩm, như tích hợp thêm các phần trong màn hình điều khiển, để màn hình linh hoạt hơn; bổ sung thêm các câu lệnh để thông báo về nhịp tim cao hay thấp nhằm thông báo cho người nhà biết...
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên môn Vật lý, người đồng hành, hướng dẫn dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" cho rằng, để sản phẩm được chấm điểm và đạt giải cao nhất tỉnh, rồi dự thi quốc gia là cả sự đam mê, tâm huyết của thầy và trò nhà trường. Có những thời điểm, một công đoạn trong sản phẩm phải làm đi làm lại mà không thành công, cả thầy và trò mệt mỏi, muốn dừng lại. Nhưng rồi, các em lại là người đam mê, quyết tâm hơn cả, lên mạng tìm hiểu, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin, sản phẩm, dần dần khắc phục được những nhược điểm để hoàn thiện.
Kiểm tra lại sản phẩm sau khi đạt giải nhất quốc gia
Sau khi dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" được trao giải nhất quốc gia, có ý kiến cho rằng, dự án này có sự trùng lặp với 1 dự án đã giành giải nhì của học sinh trường THPT Hoa Lư A trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, theo đại diện trường THPT Hoa Lư A, cũng như thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, người trực tiếp hướng dẫn các dự án trên, thì 2 dự án có tên liên quan như "giường bệnh thông minh" và một số ít phần có chung cấu tạo như khung giường, bánh xe gắn động cơ, nhưng không bao giờ có chuyện làm lại cái cũ và 2 dự án là 2 vấn đề được nghiên cứu và giải quyết cũng như có bản chất hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể là, dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" năm 2019 của Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân, là hệ thống được người chăm sóc bệnh nhân vận hành từ xa thông qua mạng internet một cách linh hoạt để cho người bệnh ăn uống, vệ sinh, di chuyển giường đi lại chính xác và an toàn. Còn dự án năm nay là hệ thống tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói.
"Điểm ưu việt của giường bệnh thông minh so với giường I.o.T chính là tự người bệnh (liệt cả chân lẫn tay) có thể phục vụ cho chính mình bằng giọng nói mà không cần sự trợ giúp của người thân trong việc tập phục hồi cả chân lẫn tay, cũng như tự mình bật các chức năng giải trí bằng cử chỉ há miệng (nhận diện khuôn mặt) để người bệnh tự chủ động điều khiển, giúp giải phóng sự vất vả cho người chăm sóc.
Ngoài ra, dự án năm 2021 có thể gửi được cả nhịp tim và nồng độ oxy trong máu tới phần mềm viết trên di động cho người thân thông qua App do tác giả lập trình trên smartphone, máy tính bảng. Cùng với đó, sản phẩm có giá thành hợp lý, tiện dụng và phù hợp cho nhiều gia đình có thể trang bị cho người thân của mình sử dụng..." - thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú cho biết thêm.
Hiện nay, theo nhóm tác giả, nếu dự án được chọn dự thi quốc tế, nhóm sẽ tiếp tục tham khảo thêm ý kiến của các thành viên trong Ban giám khảo, ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt phải trau dồi thêm kiến thức tiếng Anh để thuận lợi hơn trong quá trình thuyết minh, thuyết trình nhằm thuyết phục cho sản phẩm mà mình đã nghiên cứu, chế tạo, phấn đấu đạt giải cao tại cuộc thi.