Lễ hội Đền Hùng năm nay cuốn hút khách trong và ngoài nước bằng một không gian văn hóa trải rộng từ TP Ngã ba sông lên tới đỉnh Nghĩa Lĩnh, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và ấn tượng lần đầu tiên xuất hiện: Triển lãm ảnh "Lễ hội Đền Hùng xưa và nay, Giỗ Tổ Hùng Vương trong cả nước", Hội chợ triển lãm hoa quả Việt Nam với chủ đề "Hương thơm trái ngọt tiến dâng các vua Hùng".
Hội trại văn hóa, Liên hoan diễn xướng dân gian "Âm vang đất cội nguồn" cùng các lễ hội truyền thống đánh trống đồng, đâm đuống, hát xoan, múa sư tử, bơi chải trên sông Lô, biểu diễn nghệ thuật của các nước và các hoạt động truyền thống: thi gói bánh chưng, giã bánh dày, trưng bày sản vật v.v...
Trở về nguồn cội
Vì sao có ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3?
Theo ý kiến của GS sử học Lê Văn Lan nguồn gốc của ngày giỗ Tổ Hùng Vương như sau: "Tại Kính thiên lĩnh điện (Điện núi thờ Trời) trên núi Hùng, còn gọi là đền Thượng, có hai tấm bia cổ.
Tấm bia thứ nhất có tên là "Hùng miếu điển lệ bia" có ghi: xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến lễ, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày mà tục lễ của dân xã đó, lấy ngày 11/3, kết hợp với thờ thần thổ kỳ, làm lễ riêng, thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì kém đi.
Nay cẩn thận tính lại rằng, từ đây về sau, lấy ngày 10/3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt khiến dân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái".
(Công văn Bộ lễ triều Nguyễn đề ngày 25/7 năm Khải Định thứ nhất tức 1917).
Từ ngày khai hội 6/3 (âm lịch), đã có hàng vạn nam - phụ - lão - ấu từ mọi miền đất nước tìm về đây với tất cả sự thành kính thiêng liêng. Có người lần đầu về đất Tổ, nhưng rất nhiều người hành hương ngày giỗ Tổ đã là việc thường niên.
Đặt chân lên từng bậc đá nép dưới những tán cây nhuốm màu huyền sử của núi Nghĩa Lĩnh, cảm như thấy đâu đây quá khứ vàng son của thời kỳ lập nước còn vọng về.
Điểm dừng chân đầu tiên của mỗi khách hành hương vẫn là đền Hạ với giếng Mắt Rồng - nơi theo truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng, nguồn gốc của cộng đồng người Việt với sự khởi nguồn của 2 chữ "đồng bào" thấm đẫm tình đoàn kết, nghĩa nhân sinh.
Dấu tích của các Vua Hùng còn in đậm ở đền Trung - nơi các Vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng thường cùng nhau hội bàn việc nước, cũng là nơi xưa kia, Vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho chàng Hoàng tử Lang Liêu - người đã gắn bó với truyền thuyết về bánh chưng, bánh dày - những đặc sản của đất Việt mang ý nghĩa tượng trưng cho trời và đất.
Nhưng linh thiêng và huyền bí nhất, chính là ngôi đền Thượng trên đỉnh non cao - nơi cả ngàn năm trước đã là sự lựa chọn của Vua Hùng mỗi khi hành lễ cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật thịnh nhân khang.
Tất cả, đã khắc họa thật đậm nét một lịch sử rạng ngời và truyền thống sâu bền của dân tộc, làm nên niềm tự hào trong mỗi con dân Việt.
Vì thế, dòng người hành hương về đất Tổ đông đúc mà vẫn giữ trọn được niềm thành kính, thiêng liêng, là nét văn hóa đáng quý của người Việt.
Mỗi người đến đây - dù là trong nước hay kiều bào ở nước ngoài - dường như đều ý thức hơn về lòng tự tôn dân tộc, về chiều dài lịch sử của đất nước quê hương, về quá khứ dẫu xa xưa mà dấu ấn vẫn rạng ngời.
Nối dòng lịch sử
Du khách thập phương về đền Hùng dâng hương được tận mắt chứng kiến những sắc màu văn hóa đa dạng của các dân tộc Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông v.v... ngay dưới chân núi Hùng - biểu hiện rõ nét nhất của cuộc sống phồn thịnh như khao khát của tiên tổ.
Một sinh hoạt lễ hội truyền thống được dựng lại ngay trong khuôn viên của Bảo tàng Hùng Vương đủ làm say lòng khách thập phương với các chàng trai mạnh mẽ và đam mê trong các điệu dân vũ cổ truyền, đánh trống đồng, đâm đuống, các cô gái đằm thắm trong tà áo tứ thân duyên dáng với điệu hát xoan rất riêng của đất Phú Thọ.
Tất cả, hiện lên một không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân vùng đất Tổ lắng trong lòng du khách ấn tượng nồng nàn và quyến rũ, lan tỏa một niềm tin vững chãi trong mỗi người về những giá trị văn hóa nguồn cội sẽ mãi được bảo tồn.
Trong dòng người thành kính, chúng tôi chứng kiến một nét đẹp văn hóa của ngày giỗ Tổ năm nay là nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, nhiều dòng tộc, gia đình đã tổ chức dâng hương, không chỉ bằng các sản vật cung tiến, mà còn có cả các văn bản cẩn cáo với tổ tiên về kết quả làm việc, sự phấn đấu, nỗ lực của mỗi thành viên trong năm qua cùng lời hứa sẽ tiếp tục làm tốt hơn những việc thiện điều lành.
Việc làm tưởng như bình thường ấy lại ẩn chứa một thông điệp giáo dục sâu sắc, nhắc nhở mỗi thành viên trong doanh nghiệp, trong dòng họ khát vọng vươn lên hoàn thiện mình để cống hiến cho xã hội. Nếu nơi nơi đều nhân lên ý thức tốt đẹp này, chẳng phải đất nước ngày càng phồn thịnh hơn sao!
Theo tintuconline