Khánh Cường là một trong những đơn vị dẫn đầu huyện Yên Khánh về phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là bộ môn nghệ thuật hát chèo. Đến nay, toàn xã có 18/21 xóm có các CLB hát chèo. Trung bình mỗi CLB có khoảng 20 thành viên. Được thành lập từ năm 2003, đến nay, CLB chèo Khánh Cường đã được trao 4 huy chương vàng và 3 huy chương bạc trong các Hội diễn nghệ thuật quần chúng Ninh Bình.
Xem chèo, diễn chèo đã trở thành một niềm đam mê, một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của con người nơi đây. Trong cuộc sống hàng ngày, khi công việc nhà nông đã bớt bận rộn, những người nông dân trong làng lại tập hợp nhau lại, học hát và cất lên những làn điệu chèo ngọt ngào. Niềm đam mê và tình yêu đối với những làn điệu chèo không những được gìn giữ mà vẫn luôn tiếp nối trong từng gia đình, dòng họ. Tình yêu với nghệ thuật chèo không chỉ khắc sâu trong tâm khảm của những người trung, cao tuổi trong làng, trong xã mà sự đam mê còn được truyền sang tâm hồn những người trẻ tuổi như một sự tất yếu 'Tre già măng mọc".
Có thể khẳng định nghệ thuật hát chèo ở Khánh Cường được gìn giữ và duy trì bao năm qua chính là nhờ có các chiếu chèo ở mỗi xóm, làng mà lực lượng nòng cốt là những "nghệ sĩ nông dân". Các CLB hát chèo trên địa bàn xã hoạt động rất tích cực, không kém phần rộn rã với sức bền bỉ, dẻo dai, ăn sâu, bám chắc và hòa đồng vào nhịp sống của người dân lao động.
Bên cạnh những trích đoạn chèo cổ, các CLB còn tự sáng tác, dàn dựng những vở chèo mới mang "hơi thở" cuộc sống thôn quê với những buồn vui, hạnh phúc, phản ánh những đổi thay của quê hương, đất nước. Mỗi CLB không chỉ là một sân chơi đầy ngẫu hứng mà còn tìm ra được cách thức sống mới cho chèo trong cuộc sống đương đại và hơn thế, chính họ đã góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống chèo sống mãi trong dân gian.
Chị Phạm Thị Thoa, Chủ nhiệm CLB chèo xóm 9, Nam Cường, xã Khánh Cường là một trong số những phụ nữ có duyên với chèo. Sinh ra và lớn lên ở xã Khánh Thành, một xã có phong trào văn nghệ quần chúng khá sôi nổi của huyện Yên Khánh, đây cũng là địa phương có nhiều giọng hát chèo hay, thuở nhỏ chị đã rất thích đi xem diễn các tích chèo cổ do bà con nông dân trong xã tự dàn dựng và biểu diễn như: "Lưu Bình Dương Lễ", "Quan Âm Thị Kính", "Đôi ngọc lưu ly"… Khi về làm dâu ở Khánh Cường, mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay dịp tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng cấp xã tiếng hát chèo ở đây lại làm cho tâm hồn chị thấy xốn xang. Hiện nay, chị đang tham gia nhiều vào các hoạt động chính trị - xã hội ở địa phương, nhưng chị Thoa vẫn dành thời gian tham gia vào CLB chèo của thôn. Mỗi lần được hát chèo, diễn chèo mặc dù sân khấu còn thô sơ, phục trang còn đơn giản nhưng chị cảm thấy như mình trẻ lại, cảm xúc thăng hoa hơn. Và mong muốn của chị cũng như của nhiều người dân nơi đây là những làn điệu chèo sẽ sống mãi với thời gian, sẽ được thế hệ trẻ nâng niu và giữ gìn.
Bên cây đa, giếng nước, sân đình, vẫn còn đó những người dân sau những ngày lao động vất vả lại cùng nhau say sưa với các làn điệu chèo mượt mà, ngọt ngào, đằm thắm. Và còn biết bao người dân quê vẫn nao nao một cảm giác xốn xang mỗi khi nghe tiếng trống chèo thúc giục, vang vọng đâu đây. Lời ca, tiếng hát của họ đã tạo nên một bức tranh quê sôi động đầy hương sắc vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, vừa thắm đượm những tinh hoa văn hóa cổ truyền từ ngàn xưa.
Nguyễn Khánh