Nấm sò hay có tên là nấm bào ngư là loại nấm được trồng phổ biến ở hầu hết các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh. Chúng sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 20 đến 25 độ C, độ ẩm không khí trên 85% nên từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau là thời điểm thích hợp để trồng loại nấm này. Thời điểm này là lúc các hộ trồng nấm vào mùa thu hoạch rộ.
Chúng tôi tìm đến trại nấm của ông Ninh Mạnh Thắng, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, không khí sản xuất ở đây đã nhộn nhịp ngay từ sáng sớm, chỗ thì tất bật thu hoạch, chỗ đang sơ chế, đóng gói. Ông Thắng cho biết: Để kịp đưa nấm đến các chợ đầu mối, thì việc thu hoạch phải tiến hành ngay từ sáng sớm.
Năm nay thời tiết khá thuận, mặc dù ông vào giống sớm hơn 10 ngày so với thời vụ nhưng cây nấm vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, sau hơn 1 tháng trồng đã bắt đầu cho thu hái. Trung bình mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường gần 1 tạ, giá bán tại nhà từ 25-30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 35.000 đồng/kg.
Giống như gia đình ông Thắng, vào thời điểm này gia đình ông Nguyễn Văn Đô ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh cũng đang tất bật với công việc sản xuất nấm. Gia đình ông bắt đầu xây dựng trang trại trồng nấm ở Ninh Bình chục năm về trước. Ông chọn loại nấm sò để khởi nghiệp, bởi đây là loài nấm khá dễ trồng, thị trường tiêu thụ rộng.
Mặt khác, nguồn nguyên liệu làm nấm sò cũng rất dồi dào từ rơm rạ, mùn cưa... giá rẻ, dễ kiếm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đô cho biết: Năm ngoái, nhiều hộ trồng nấm trong vùng bị thất thu nhưng năm nay từ đầu vụ đến giờ sản xuất khá thuận lợi. Riêng gia đình tôi một tháng nay mỗi ngày thu hoạch khoảng 2 tạ nấm sò, ngoài ra tôi còn phát triển nhiều sản phẩm khác như nấm kim phúc, nấm mỡ, nấm linh chi, nấm rơm…
Theo thông tin từ Hiệp hội ngành nghề nấm Ninh Bình thì toàn tỉnh hiện có gần 200 gia đình và 10 tổ hợp tác sản xuất và chế biến nấm, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động nông nhàn. Rút kinh nghiệm từ vụ sản xuất trước, vụ nấm này, bà con xây dựng và cải tạo lán trại đảm bảo độ ẩm, đủ ôxy, khử trùng bằng vôi bột nhằm hạn chế dịch bệnh, giúp nấm sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay, bà con đang thu hái những lứa nấm đầu tiên, ước tính cứ 1.000m2 lán trại, cho năng suất 120kg/ngày, tăng 30kg so với vụ trước, trừ chi phí thu lãi 1,5 triệu đồng/ngày. Trong thời gian tới, để duy trì việc sản xuất nấm, đảm bảo năng suất, chất lượng, ông Phạm Quốc Nam, Chủ tịch Hiệp hội khuyến cáo: Hai vấn đề quan trọng trong quá trình trồng nấm là giống và môi trường. Người trồng nấm cần vệ sinh sạch sẽ khu vực trồng nấm, sử dụng vôi tỏa rắc kín toàn bộ nền trại, phun thuốc muỗi trước khi cấy giống.
Có thể dùng lưới, màn che kín để ngăn không cho ruồi giấm bay vào gây hại. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên theo dõi độ ẩm trong lán nấm để có sự điều chỉnh kịp thời. Nếu thấy độ ẩm trên 90% thì dừng việc tưới nước, còn khi độ ẩm đột ngột giảm xuống thì phải tăng số lần tưới lên, có thể là 4-5 lần/ngày.
Hà Phương