Giờ đây Văn Phú khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, văn minh. Xa xa những ngôi nhà mái bằng, cao tầng lấp ló bên triền núi. Những màu xanh ngút ngàn phủ kín các sườn đồi, lưng chừng núi của cây rừng như keo, bạch đàn; của những bãi sắn, nương ngô; của những cáng đồng lúa đang thì con gái... Một vùng quê núi hoang sơ trước kia, nay trù phú dưới bàn tay lao động của con người.
Có một điều không ai phủ nhận được rằng người dân Văn Phú siêng năng, cần cù, chất phác, gắn bó thủy chung với xóm làng. Với 1.481 hộ, gần 7 nghìn nhân khẩu, trong đó có 51,6% theo đạo Thiên chúa, nhưng bà con giáo dân nơi đây một lòng kính Chúa, yêu nước, đi theo tiếng gọi của Đảng, anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến; tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh; năng động phát triển kinh tế, đẩy lùi cái đói nghèo, lạc hậu, xây dựng nông thôn mới. Tuy là xã thuần nông nhưng nhờ phát huy nội lực, không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác của xã đạt được trên 28 triệu đồng/ha/năm (theo giá cũ). Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 23,5%, trong đó tỷ trọng nông nghiệp chiếm 67,8%, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 32,2%. Không chỉ bó gọn với việc độc canh cây lúa, nông dân trong xã còn mạnh dạn phát triển nhiều mô hình với các loại giống cây trồng, con nuôi mới cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Do đặc trưng là xã có địa hình bán sơn địa, lại có đường 12B chạy qua, chia Văn Phú thành 2 vùng sản xuất rõ rệt. Một vùng gồm 334 ha được bố trí bằng mô hình 1 vụ lúa chiêm + 1 vụ cá. Vùng tiếp theo gồm 456 ha thực hiện công thức luân canh: 2 vụ lúa chiêm, mùa + vụ đông. Những mô hình này đã nâng hệ số quay vòng đất lên 2,2 lần, giúp người dân nơi đây nhanh chóng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Có thể thấy, thành công lớn nhất của Văn Phú chính là việc đưa vào mô hình lúa + cá. Nói về những gian truân để nhân ra diện rộng mô hình, các đồng chí lãnh đạo xã tâm sự: Phong trào "khơi nguồn" từ những năm 1995. Vạn sự khởi đầu nan, mô hình tự phát khi đó thật mong manh nhưng nó xuất phát từ lòng nhiệt thành, ý chí nỗ lực phấn đấu không cam chịu đói nghèo khi nhìn những thửa ruộng chỉ cấy được một vụ, còn một vụ để không vì nước ngập trắng xóa. Chúng tôi đã không quản ngại mỗi khi đêm tối, mưa to gió lớn để đắp bờ vùng, bảo vệ con nuôi. Thế là đất, nước đã không phụ công người. Nhìn thành quả ban đầu, những mẻ cá đầy ắp, có con nặng đến vài ki-lô-gam, chúng tôi rất phấn khởi bởi sự tìm tòi, vật lộn, trăn trở của mình đã trở thành hiện thực.
Đến năm 1999, mô hình đã được triển khai rộng, phủ kín diện tích mặt nước toàn xã, nhưng tích cực nhất vẫn là các hộ dân ở thôn Phương Lâm. Được biết, đến nay xã có 26 nhóm hộ tổ chức liên kết quây vùng thả, trung bình mỗi nhóm từ 8 đến 20 ha. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 412 ha, giá trị thu nhập gấp 1,5 - 2 lần cây lúa. Ngoài nuôi thả cá, những năm vừa qua, xã còn vận động nhân dân phát triển mạnh 131 ha cây trồng vụ đông trên đất 2 lúa như ngô lai, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, rau màu các loại. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi trong xã được người dân quan tâm, chú trọng thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế hộ VAC. Trong xã đã xuất hiện hàng trăm hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Văn Phú sầm uất còn bởi sự đóng góp sôi động của làng nghề mây tre đan Sào Lâm. Hiện nghề đã giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động, với mức thu nhập trung bình 600.000 đồng/người/tháng. Đi đôi với nghề truyền thống này là sự đa dạng của các nghề khác như chế biến sản xuất gỗ, khai thác đá, xay sát, hàn xì, hoạt động vận tải... Nhất là vừa qua Văn Phú đã đón doanh nghiệp may mặc liên doanh liên kết với nước ngoài, có quy mô vào đầu tư sản xuất, hoạt động trên địa bàn, thu hút nhiều lao động địa phương tham gia...
Xưa kia, cái đói nghèo, lạc hậu đeo bám và hiện hữu trong những bữa cơm độn khoai sắn, trên những nóc nhà lụp xụp, tạm bợ, những con đường lầy lội, trơn trượt. Nay sự cần mẫn, năng động đã đưa nhịp sống sôi động đến với họ. Còn nhớ những năm 1981, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 12 nhiệm kỳ 1981 - 1983, toàn xã phấn đấu đưa tổng sản lượng lương thực đạt 1.200 tấn là cả một vấn đề khó khăn. Đến năm 2007, tổng sản lượng lương thực toàn xã đã vượt trên 3.800 tấn. Tỷ lệ hộ khá, giàu của xã chiếm 30%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13,9%, có thôn như Hiền Lương, Lão Cầu... tỷ lệ hộ nghèo còn 8%. Như một "miền đất hứa" đang dâng tràn nhựa sống, người dân Văn Phú tiếp tục bám đất, bám làng, tăng gia làm kinh tế, xây dựng thôn xóm bình yên, tạo dựng cuộc sống ổn định, đầy đủ trên chính mỗi tấc đất của mình.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm