Năm 2013, thôn Đồng Nang xã Văn Phú được UBND tỉnh công nhận làng nghề mây tre đan truyền thống đã giúp cho nhiều hộ trong thôn giải quyết việc làm. Toàn thôn có 145 hộ thì đã có 73 hộ tham gia sản xuất mây tre đan tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi tham gia làm nghề, qua đó góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân trong thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, đời sống của người dân trong thôn từng bước được nâng lên, hiện thôn Đồng Nang chỉ còn 6,8% hộ nghèo. Cùng với duy trì và phát triển làng nghề, thôn Đồng Nang cũng chú trọng tới công tác vệ sinh môi trường. Về vấn đề này, ông Đinh Văn Tuấn, Trưởng thôn Đồng Nang xã Văn Phú huyện Nho Quan cho biết: Nghề mây tre đan là nghề truyền thống của người dân địa phương từ bao đời nay. Các sản phẩm mây tre đan của làng đã có tiếng không chỉ ở địa phương mà cạnh tranh cả với các địa phương lân cận. Tuy nhiên, đã có thời gian làng nghề mai một do không cạnh tranh được với các sản phẩm nhựa công nghiệp.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, làng nghề dần phục hồi, số hộ giam gia làm nghề cũng bắt đầu gia tăng. Tuy nhiên, để nghề truyền thống phát huy được thế mạnh chúng tôi luôn tuyên truyền để bà con trong thôn giữ gìn vệ sinh môi trường chung, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Qua tuyên truyền và các chính sách của Nhà nước bà con đã có ý thức rất rõ việc xử lý nước thải trong quá trình ngâm, rửa và xử lý các sản phẩm phế thải trong quá trình sản xuất các sản phẩm.
Gia đình Bà Vũ Thị An ở thôn Đồng Nang xã Văn Phú huyện Nho Quan làm nghề mây tre đan 40 năm nay cho biết: Nếu chỉ trông chờ vào 1 mẫu ruộng cấy lúa, 1 năm 2 vụ thì không đủ ăn chứ chưa nói đến xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi các con ăn học. Từ khi gắn bó với nghề cả nhà bà có 5 người đều tham gia làm. Nguyên liệu để làm sản phẩm từ mây tre đan sẵn có tại địa phương và các xã lân cận, kỹ thuật đan các sản phẩm như rổ, rá, thúng, giần, sàng… dễ làm và tận dụng được mọi thời gian, nắng, mưa, bão lũ đều làm được, một tháng gia đình bà thu nhập từ làm nghề mây tre đan khoảng 6 triệu đồng.
Cùng với đổi mới mẫu mã tạo sản phẩm đẹp, gia đình bà An cũng chú trọng tới công tác vệ sinh môi trường. Bà An nói: Khi ngâm tre nứa đã thường xuyên thay nước trong ao và tận dụng sản phẩm phụ để làm chất đốt nên không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Nghề mây tre đan đã có lúc thăng trầm bởi ngoài thị trường có nhiều sản phẩm hàng nhựa đẹp với đủ chủng loại mầu sắc, song với tâm huyết và tình yêu nghề, các gia đình trong làng nghề đã nỗ lực tạo ra những sản phẩm mây tre đan phong phú về chủng loại và đảm bảo uy tín, chất lượng với khách hàng trong và ngoài huyện.
Ông Bùi Văn Thường, Phó chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: Song song với duy trì và phát huy hiệu quả của các làng nghề, Văn Phú cũng quan tâm tới công tác môi trường như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức môi trường và pháp luật về bảo vệ môi trường đối với làng nghề; thành lập tổ thu gom và xử lý rác thải, vận động các hộ thường xuyên thau rửa ao ngâm sản phẩm tre, nứa tránh ô nhiễm nguồn nước…
Để tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề mây tre đan truyền thống theo hướng phát triển bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường, xã Văn Phú tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, nhất là các hộ làm nghề giữ gìn vệ sinh môi trường, không ngừng đổi mới mẫu mã, đa dạng loại hình sản phẩm mây tre đan phục vụ khách hàng trong và ngoài huyện.
Bảo Yến