Người Ninh Bình vốn tài hoa, luôn năng động, sáng tạo "tay người như có phép tiên - trên tre là cũng dệt nghìn bài thơ". Một trong những dòng chảy làm phong phú thêm đời sống văn hóa trên đất Cố đô này, đó là văn hóa làng nghề. Làng nghề là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng vùng miền, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc, lưu giữ những giá trị truyền thống nghệ thuật để lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Vào thời điểm hiện nay, tỉnh ta có trên 1.500 đơn vị phố, xóm, thôn, bản gọi chung là "làng", trong đó có trên 150 làng còn lưu giữ và phát triển với trên 40 nghề truyền thống khác nhau. Và không nhiều địa phương như Ninh Bình có cả một hệ thống làng nghề trải đều trên cả 3 vùng, miền của tỉnh, gồm vùng đồng bằng, vùng ven biển và vùng bán sơn địa. Làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển phụ thuộc vào vùng nguyên liệu, thị trường và hệ thống giao thông, mà ở Ninh Bình đây là một trong những yếu tố khá ưu việt tạo nên tiền đề hết sức thuận lợi.
Từ lâu Ninh Bình đã nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, có nghề đã có tuổi thọ cách đây từ 500 - 600 năm như nghề thêu ren, nuôi tằm dệt lụa. Tiêu biểu hơn cả vẫn là nghề chiếu cói ở Kim Sơn, Yên Khánh, nghề mộc Phúc Lộc (Ninh Phong, thành phố Ninh Bình); nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư); nghề chạm khắc đá ở làng Hệ, làng Xuân Vũ (Ninh Vân, Hoa Lư); nghề mây, tre ở Gia Tân (Gia Viễn).
Đi dọc theo những miền quê Ninh Bình càng thêm tự hào về những tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Đó là những cánh đồng cói bạt ngàn trên vùng đất mở Kim Sơn, là những dãy núi đá vôi điệp trùng chạy xuyên suốt từ Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan về đến Tam Điệp, Yên Mô... không chỉ tạo nên những hang động, danh thắng kỳ vỹ mà còn là những vùng nguyên liệu phong phú để phát triển nghề chạm khắc đá, sản xuất vật liệu xây dựng. Rồi từ xa xưa đã có những vùng dâu tằm rộng lớn phát triển mạnh ở Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, Yên Mô, giúp cho nghề thêu ren, dệt vải, dệt lụa ngày thêm hưng thịnh.
Nhiều làng nghề ở Ninh Bình vốn bình lặng như bao làng quê khác nhưng với những sản phẩm do chính họ làm ra được xuất bán đi nhiều vùng, miền trong nước và ngày nay xuất khẩu đến không ít Quốc gia và vùng lãnh thổ như chiếu cói, thêu ren, mây tre, đá mỹ nghệ, đồ mộc đã làm cho những vùng quê ấy thêm nổi danh trở thành niềm tự hào của quê hương, đất nước. Không ít làng nghề đã được công nhận là làng văn hóa các cấp. Sự giao thoa giữa làng nghề và làng văn hóa là không thể tách rời. Bên cạnh cây đa, bến nước, mái đình là biểu trưng văn hóa của những làng quê Việt, thì sản phẩm làm ra từ những làng nghề truyền thống cũng làm phong phú thêm bản sắc văn hóa ở mỗi thôn, làng.
Văn hóa làng nghề bao hàm cả "văn hóa đời thường" và văn hóa tâm linh trong cuộc sống thường nhật, mỗi nghề, mỗi chu kỳ lao động đều có những nét riêng khá đặc trưng. Một thời đến những làng trồng dâu nuôi tằm ở Nho Quan, Hoa Lư, Yên Khánh mới thấy hết sự chăm chỉ, cần cù, tất bật "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Nghề dệt chiếu cói, làm hàng cói mỹ nghệ ở Kim Sơn, Yên Khánh không chỉ bận rộn mà đòi hỏi người thợ phải nhanh mắt, nhanh tay, khéo léo trong việc tạo mẫu, đan, cài, làm nên những sản phẩm mỹ nghệ xinh xắn, bắt mắt được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Nghề chạm khắc đá, chạm gỗ đòi hỏi công cụ phải sắc bén, con mắt thẩm mỹ, có sự sáng tạo cao và những bí quyết kinh nghiệm mới tạo ra các sản phẩm tinh xảo. Bởi vậy khi đến với làng nghề truyền thống ta hay gặp những đôi câu đối, những bức đại tự nói lên truyền thống tinh hoa, tập tục của làng nghề từ ngày khởi nghiệp.
Người dân làng nghề, trong sinh hoạt tín ngưỡng của mình hầu hết đều có đền, miếu thờ các vị tổ nghề, không ít trường hợp vị thành hoàng làng đồng thời cũng là vị tổ nghề của làng. Những ông tổ nghề ở các làng nghề thường là những bậc danh nhân tài hoa giỏi nghề, có công khởi nghiệp, truyền nghề cho người dân bản địa. Những người dân trồng cói, dệt chiếu ở Kim Sơn luôn tri ân công lao của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, người đã có công giúp dân quai đê lấn biển, di dân, lập ấp tạo nên Phủ Kim Sơn vào năm Minh Mệnh thập niên 1829. Khi ông còn sống người Kim Sơn đã lập đền thờ ông gọi là "Sinh Từ".
Đến với làng thêu ren Văn Lâm, có đền thờ vị thành hoàng làng là cụ Đỗ Đức Hạnh, mà theo truyền thuyết dân gian đã từng đi công vụ sang Trung Quốc, do nhanh trí, thông minh cụ liền chớp cơ hội quan sát, nhập tâm kỹ nghệ thêu ren ở bên ấy về dạy lại cho dân. Về với đất Hoa Lư không chỉ ở Văn Lâm mà nhiều thôn, làng làm nghề thêu ren ở đây đều tôn vinh Linh từ Quốc mẫu Nguyễn Thị Dung thời Trần là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ đã có công truyền nghề thêu thảm trên đất Thái Vi xưa.
Trên lĩnh vực nghệ thuật, đồng thời cũng là tinh hóa của văn hóa đã được thể hiện khá đặc trưng qua các sản phẩm thủ công truyền thống được làm từ các chất liệu như cói, tơ tằm, gỗ, đá, đất nung... Những sản phẩm đó bên cạnh những giá trị vật chất nó còn mang một giá trị nghệ thuật hết sức quý giá, vượt lên cả sức tưởng tượng của con người. Những bức chạm khắc đá ở Nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn) dù đã đi qua hàng thế kỷ vẫn được các chuyên gia, nghệ nhân đánh giá cao coi là mẫu mực, hoàn hảo mà ngày nay kể cả được kỹ thuật công nghệ hiện đại hỗ trợ cũng khó tái tạo được như nguyên mẫu.
Ninh Bình là chủ nhân của các công trình nổi tiếng như Đền vua Đinh, vua Lê, Đền Thái Vi, Nhà thờ đá Phát Diệm... Mỗi công trình đều có những nét đặc trưng và sắc thái riêng nhưng hàng vạn du khách đến đây, kể cả trong và ngoài nước đều không khỏi ngưỡng mộ, thán phục những công trình, sản phẩm chạm khắc điêu nghệ, tài hoa trên đá, trên gỗ từ những công trình trên đến những đền đài ở nhiều vùng, miền trong tỉnh ít nhiều đều có sự góp mặt của những nghệ nhân từ các làng nghề thủ công Ninh Bình.
Bảo tồn và phát huy thế mạnh văn hóa làng nghề không chỉ làm giàu thêm bản sắc văn hóa của quê hương Ninh Bình mà còn giúp các làng nghề truyền thống trở thành những địa chỉ văn hóa, thành điểm đến của khách du lịch để họ có dịp thưởng thức, chiêm ngưỡng, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ với bạn bè quốc tế.
Đức Trung