Theo như quy định của Bộ GD-ĐT thì tất cả các Sở GD-ĐT phải chuẩn bị thiết bị dạy học trước khai giảng năm học mới, không để tình trạng thiết bị về chậm như những năm trước. Nhưng trên thực tế, việc có thiết bị dạy học lớp 12 trong tháng 9 là không thể, đó còn chưa kể đến việc thiết bị năm nay sẽ bị thiếu gần 1 nửa so với yêu cầu tối thiểu. Từ năm học 2006-2007, cả nước thực hiện chương trình phân ban THPT, với chương trình này việc sử dụng thiết bị dạy học có vai trò quan trọng, chiếm đến 1/3 tiết học ở một số môn như: Vật Lý, Sinh học…
Tuy nhiên, 2 năm qua thiết bị dạy học luôn bị chậm. Chính vì vậy, có những năm học sinh đã phải học chay đến nửa học kỳ mới có đủ thiết bị. Bài giảng đã qua đi khá lâu các thầy cô mới hướng dẫn lại thí nghiệm. Việc làm thí nghiệm chỉ còn mang tính chất "hình thức", học sinh đã không còn mấy hứng thú với bài học lại.
Năm học này, thực hiện chủ trương của Bộ là không để thiết bị về chậm như mọi năm, Sở Giáo dục - Đào tạo đã cố gắng đẩy tiến độ đấu thầu sớm nhưng đến nay thời gian học chính thức đã được nửa tháng nhưng thiết bị dạy học lớp 12 mới đang nằm ở khâu "kế hoạch".
Công ty phát hành Sách &Thiết bị trường học Ninh Bình nhập nhiều đầu sách, đồ dùng học tập phục vụ năm học mới. Ảnh: Trần Thanh
Theo bà Đặng Thị Yến, thì có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiết bị về chậm. Thứ nhất, thời gian mà Bộ đề ra chỉ là quy trình đấu thầu, không tính đến quãng thời gian địa phương phải làm kế hoạch, trình các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Từ khi lập kế hoạch, đến khi đấu thầu qua 19 bước như vậy với một thời gian ngắn mà Bộ yêu cầu thì không chỉ có Ninh Bình mà hầu hết các địa phương đều không đáp ứng được. Thứ hai, do thiếu vốn trầm trọng nên việc phê duyệt kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học lớp 12 của Sở cũng bị chậm trễ.
Nguyên nhân của việc thiếu vốn cũng được giải thích là do kế hoạch mua sắm và giá thiết bị thì được ước tính từ năm học trước, đến thời điểm này giá cả lạm phát nên giá thiết bị dạy học cũng tăng lên gấp nhiều lần. Ngành và tỉnh đều không lường trước được việc này dẫn đến tình trạng thiếu vốn. Cụ thể là theo kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học lớp 12 tối thiểu cho năm học này của Sở Giáo dục - Đào tạo là gần 7 tỷ đồng. Nhưng hiện mới chỉ có vốn chương trình mục tiêu là 2 tỷ 090 triệu đồng và vốn đối ứng của tỉnh là 899 triệu đồng. Như vậy, thiếu gần 5 tỷ đồng so với kế hoạch. Chính vì lúng túng trong việc huy động vốn nên các cấp thẩm quyền không thể phê duyệt kế hoạch để tiến hành đấu thầu ngay.
Việc thiếu vốn không chỉ ảnh hưởng đến việc thiết bị về chậm mà còn dẫn đến tình trạng thiết bị thiếu quá nửa so với nhu cầu tối thiểu của các trường. Trước tình trạng này Sở Giáo dục - Đào tạo đã giải quyết bằng cách "có thế nào dùng thế đó", mua đủ cho tất cả các trường tối thiểu là một bộ thiết bị. Tập trung vào những môn chính, không đầu tư dàn trải, tránh để tình trạng trường trắng thiết bị. Từ nay đến cuối năm khi nào có vốn sẽ tiếp tục bổ sung. Các trường phải điều chỉnh thời khóa biểu cho phù hợp để đảm bảo học sinh được học thực hành, thí nghiệm.
Đành rằng thiết bị dạy học không phải là yếu tố chủ đạo quyết định chất lượng dạy và học, nhưng thiết nghĩ cũng là một phần không thể thiếu trong chương trình học phân ban THPT. Khi chúng ta chưa chuẩn bị một cách đầy đủ các điều kiện cho việc học chương trình mới này sẽ dẫn đến tình trạng thiết bị liên tục chậm và học sinh vẫn tiếp tục phải học chay.Như vậy, liệu chất lượng học sinh khóa đầu tiên thí điểm chương trình phân ban THPT mà chúng ta đang kỳ vọng có đạt được chất lượng như mong muốn?
Linh Nhi