Có gần 15 năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp, lại luôn được phân công chủ nhiệm những lớp có nhiều học sinh "chưa ngoan", cô giáo Nguyễn Thị Mai, giáo viên trường THPT Gia Viễn B cho rằng, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cực kỳ quan trọng, bởi họ được coi là linh hồn của lớp, việc nắm bắt tâm lý học sinh "có vấn đề" từ những việc nhỏ nhất để có hướng theo dõi, ngăn chặn kịp thời.
Chia sẻ về những kỷ niệm phòng tránh được các vụ xảy ra bạo lực, cô Mai cho biết, có khá nhiều kỷ niệm trong những năm làm nghề giảng dạy khiến cô nhớ và thêm một lần rút ra kinh nghiệm cho mình. Như vài năm trước, lớp cô chủ nhiệm có 1 học sinh ngỗ ngược, ngang ngạnh đến không thể chịu nổi. Tính cách bất cần, nhâng nháo khiến nhiều bạn bè khó chịu và không thể chơi cùng.
Tiếp xúc với học sinh này, ban đầu cô Mai cũng thấy rất "căng thẳng", phải kìm nén rất nhiều mới không buông lời mạt sát, xúc phạm cho hả lòng. Tính cách hiếu thắng và ngỗ ngược ấy cho thấy nguy cơ bùng nổ nhiều vụ đánh nhau tại lớp, ngoài trường. Em có thể chửi tục, dọa đánh bạn khi bạn có cái áo mới, nhìn mặt ghét hoặc khi bạn đi qua không may chạm vào người mình... Có bạn phản ứng lại, ra khỏi cổng trường đều nhận cái đạp, cái tát, đẩy ngã cả người lẫn xe, thậm chí đe dọa cho xã hội đen đến "xử" đẹp...
"Tôi nghĩ, cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó và giành thời gian tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của em. Hóa ra bố mẹ em bỏ nhau, cuộc chia tay không ôn hòa đã gieo vào lòng em sự căm hận, bất cần và buông xuôi. Em về sống với ông bà ngoại đã già và tham gia vào hội những bạn bè xấu, đi đòi nợ thuê, coi quán internet là nhà, Em chưa thể bỏ học vì còn thương ông bà ngoại luôn muốn em có một tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Biết được hoàn cảnh của em, tôi gần gũi, tận tình động viên em cố gắng thực hiện được mong muốn của ông bà ngoại - người thân còn lại của mình. Nhiều lần thậm chí phải bỏ qua những lỗi vi phạm nhỏ tại lớp, tại trường để em thỏa tính tự kiêu, bất cần của một đứa trẻ cô độc và tin tưởng chia sẻ. Có những ngày tôi phải mặc áo đồng phục, bịt mặt đến nơi em "cầy games" để đưa em về, tỉ tê tâm sự như một người mẹ...
Dần dần em thay đổi, chưa học giỏi lên nhưng tính khí không còn bất cần như trước, từng bước thực hiện theo nội quy, quy định của lớp, của trường. Có lần khi đi xe máy quên không đội mũ bị công an bắt, người đầu tiên em gọi là cho tôi và mong cô đến giúp em giải quyết... Học trò này sau đó đã tốt nghiệp đi học nghề và hiện có một nghề nghiệp ổn định cuộc sống. Đó là niềm vui rất lớn của một giáo viên chủ nhiệm, khi góp phần "cứu" được một con người...". Cô Mai chia sẻ thêm.
Cô giáo Mai Thị Lệ Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12H, trường THPT Hoa Lư A - người có gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, thì đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, phải thường xuyên kèm cặp, uốn nắn từng em học sinh trong lớp học. Chưa đến 7 giờ sáng, giáo viên chủ nhiệm lớp đã phải có mặt cùng các em thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động của lớp.
Hàng tuần, tổ chức các tiết sinh hoạt, có nhận xét, đánh giá đúng sự nỗ lực, cố gắng và nhắc nhở những vi phạm của học sinh. Mọi hoạt động của lớp, từ thực hiện nội quy nề nếp, lao động, vệ sinh trường lớp, các hoạt động ngoại khóa, quá trình học tập đều đến tay và giáo viên chủ nhiệm lớp phải là người theo dõi sát sao để kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho các em.
Đặc biệt, câu nói: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ 3 học trò" luôn đúng. ở lứa tuổi mà nhận thức và hành động của các em đều còn khá non nớt, theo cảm tính, hiếu thắng, làm không nghĩ đến hậu quả, thì người giáo viên chủ nhiệm lớp giữ vai trò định hướng, tư vấn, giúp các em có nhận thức đúng, bớt những trò nghịch dại, liều lĩnh, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn mới còn manh nha, đưa lớp học vào quy củ, nề nếp. Tất nhiên, không phải là cứ dùng các quy định, kỷ luật là đã đạt được hiệu quả, mà trong quá trình dạy học, uốn nắn cho các em, mỗi giáo viên đều phải có những "mẹo" của mình và biết áp dụng các kỹ năng, phương pháp phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Theo những giáo viên có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, để phòng tránh được các vụ bạo lực học đường là cả một quá trình nắm bắt, theo dõi và tìm hiểu những đối tượng học sinh có cá tính mạnh hoặc hoàn cảnh gia đình không bình thường.
Đặc biệt, với những đối tượng học sinh "chưa ngoan", chưa có thái độ hợp tác, cần phải nắm bắt được những bạn bè em hay chơi để các em này tin tưởng cô giáo, sẵn sàng cung cấp thông tin mà không lo bị lộ, bị bạn cho là phản bội. Đội ngũ bạn bè này là nguồn thông tin rất nhanh và rất dễ hiểu các hiện tượng, các ý định của cá nhân hoặc nhóm các học sinh cá tính đang ngầm thực hiện sau lưng các thầy, cô giáo.
Đồng thời, các thông tin từ phía gia đình cũng rất quan trọng, vì nhiều em sau các buổi học hay kể với bố mẹ những chuyện xảy ra thường ngày ở trường lớp... Khi người giáo viên chủ nhiệm nắm bắt và kết nối được với mạng lưới thông tin đa dạng và nhanh nhẹn này, thì các ý định "gây bão" của học trò khó có thể "lọt lưới".
Thầy giáo Hoàng Trọng Khánh, Hiệu trưởng trường THPT Gia Viễn B - người có gần 40 năm trong công tác giảng dạy và quản lý giáo dục cho rằng, để phòng tránh bạo lực học đường, không để nảy sinh những vụ bạo lực thường đặt lên vai các cô giáo chủ nhiệm nhiều hơn. Qua thực tế cho thấy, chỉ cần người giáo viên chủ nhiệm có tâm, yêu thương các em thực sự, dành thời gian cho học trò của mình, xuất phát từ nhu cầu muốn thấu hiểu, lắng nghe và làm bạn thay vì làm người "có quyền" để học trò tin tưởng, tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống thì bạo lực học đường rất ít có cơ hội nảy sinh và tồn tại.
Bài, ảnh: Hạnh Chi