Khi chưa có Luật Thanh niên, nhìn chung cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động thấp và sử dụng chưa hợp lý; chưa có nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên học tập nghiên cứu khoa học; hỗ trợ kiến thức, kỹ năng thực hiện các chương trình cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, số lượng các công trình, phần việc giao cho thanh niên đảm nhận còn ít, vai trò tham gia của thanh niên trong việc thực hiện các dự án, đề án của tỉnh chưa nhiều.
Từ khi Luật Thanh niên có hiệu lực thi hành, thanh niên trong tỉnh đã bước đầu phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh được thể hiện rõ nét hơn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên được đào tạo, bồi dưỡng và có sân chơi lành mạnh.
Việc làm được tạo ra nhiều hơn, các chương trình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế đồng bộ hơn. Với các hoạt động như "Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới", việc thực hiện phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp", các cuộc vận động và chương trình lớn của Đoàn thanh niên đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Qua đó đã tạo môi trường, điều kiện cho thanh niên phát huy vai trò xung kích, thể hiện hoài bão và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong học tập và hoạt động khoa học công nghệ, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 500 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật với trên 55 nghìn lượt thanh niên tham gia. Nhờ vậy đã xuất hiện các mô hình điển hình được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đặc biệt qua 4 hội thi tay nghề toàn quốc, khu vực, tỉnh ta đã có 21 thanh niên đạt giải. Riêng ở Hội thi tay nghề các nước ASEAN lần thứ 5 tại Hà Nội, Ninh Bình có 1 giải vàng, 1 giải đồng; 1 giải được chọn tham dự triển lãm Sáng tạo kỹ thuật quốc tế tại Nigeria…
Trong lao động sản xuất, chỉ tính riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng dư nợ 128,4 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm mới cho trên 12 nghìn lao động. Các tổ vay vốn do thanh niên tự quản cũng được hình thành và duy trì ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, trong các hoạt động hỗ trợ này vai trò của các hội đoàn thể cũng được thể hiện khá rõ nét.
Đặc biệt, Hội phụ nữ trong tỉnh đang quản lý tổng số vốn là hơn 1 nghìn tỷ đồng cho 74.298 lượt phụ nữ vay (trong đó có 13 nghìn nữ thanh niên). Hàng năm, Hội đã xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mang lại lợi ích kinh tế cho hội viên, trong đó nổi bật là mô hình phụ nữ liên kết sản xuất nấm tại xã Khánh Công (Yên Khánh).
Từ khi được triển khai, Luật Thanh niên còn có tác động tích cực đối với công tác chính trị, an ninh - quốc phòng của địa phương. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc vận động như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Thanh niên với Đảng, Đảng với thanh niên", "Tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam" đã góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng dân quân tự vệ ngày càng tăng và tỷ lệ thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ hàng năm đạt 100%. Trong năm 2012, có 81 em tham gia "Học kỳ quân đội". Đặc biệt, riêng huyện Nho Quan, trong 5 năm từ 2007-2012 đã có 5.960 thanh niên đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự ở độ tuổi 17; có 1.160 thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, không có thanh niên đảo ngũ.
Toàn tỉnh hiện có 84 câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy. Các câu lạc bộ này thường xuyên duy trì sinh hoạt hàng tháng với các nội dung sinh hoạt không ngừng được đổi mới, qua đó giúp hội viên, thanh niên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tích cực tình nguyện tham gia tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
Ngoài ra, thanh niên còn tích cực đến những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo… Qua đó góp phần ổn định chính trị của địa phương. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn đã phát động và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tặng 3.500 suất quà đối với các gia đình chính sách, gia đình thuộc diện khó khăn với tổng số tiền gần 500 triệu đồng, xây dựng hơn 100 công trình thanh niên trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Có thể nói, các cấp, các ngành, trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện Luật Thanh niên lồng ghép một số hoạt động cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình thực tế ở các đơn vị, địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác thanh niên đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị, an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Đào Duy