Chị Hà - phường Bắc Sơn than phiền với chúng tôi rằng: Giờ đây vườn vải nhà chị được mùa hay không không còn là mối quan tâm của chị nữa, mà cái chị suy nghĩ nhất là giá vải năm nay sẽ như thế nào? Chị cho biết thêm, cũng như nhiều gia đình khác, khoảng 10 năm trước chị đã đầu tư toàn bộ diện tích vườn đồi trên 1 ha trồng vải. Với tính toán ban đầu cây vải là loại cây ít phải chăm sóc, đầu tư không cao mà cho hiệu quả kinh tế khá (ngày ấy vải quả còn hiếm). Nhưng sau một thời gian vườn vải nhà chị đang lâm vào tình cảnh "bỏ thì xót, vương thì tội". Đã gần 7 năm cho thu hoạch thì chỉ có 1 năm được giá, còn lại "mất giá liên tiếp".
Tình cảnh của chị Hà cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình trồng vải khác trên địa bàn thị xã. Ba năm liên tiếp giá vải luôn xuống thấp đến mức khó chấp nhận. Giá bán đến tận tay người tiêu dùng cũng chỉ vào khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Hiện nay thị xã Tam Điệp có 508 ha trồng vải và nhãn. Do thời tiết thuận lợi trong thời kỳ cây ra hoa và đậu quả kết hợp với việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên phần lớn diện tích trồng vải đều cho năng suất cao, sản lượng ước đạt trên 450 tấn.
Với đặc điểm là loại quả chỉ chín rộ trong một thời gian ngắn, không thể để lâu được nên nhiều người đã tự tiêu thụ sản phẳm cho mình bằng cách bán buôn tại vườn (đối với hộ trồng nhiều), bán lẻ tại chợ hoặc bán dong trên đường (đối với hộ trồng ít).
Cách đây 3 năm Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp với Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao tổ chức hội nghị họp bàn biện pháp đầu ra cho thị trường vải quả trên địa bàn. Đến nay đầu ra cho sản phẩm đã được Công ty này tận thu, nhưng do điều kiện sản xuất nên Công ty không thể thu mua tất cả một lúc và khi thu mua có chọn lọc, nên người nông dân đã không chọn giải pháp bán cho công ty mà tự ý bán ra thị trường. Anh Công (Xã Đông Sơn) cho rằng: Với diện tích trên 2 ha vải, nhiều năm nay anh đã tự liên hệ với người buôn các tỉnh về tận vườn thu mua, vừa nhanh chóng, vừa đỡ vất vả, khâu thanh toán thì nhanh gọn, tuy nhiên anh cũng mong sao các cấp, các ngành cùng vào cuộc để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp những hộ trồng vải yên tâm đầu tư chăm sóc.
Khánh Vân