Tác phẩm "Bốn mươi năm nói láo" của Vũ Bằng là cuốn hồi ký về nghề báo. Cuốn sách ghi lại rất nhiều hồi ức, kỷ niệm của Vũ Bằng về một thời làm báo. Từ "thuở ban đầu " của cậu học trò trường Hàng Vôi (Hà Nội) tập tành theo đòi nghề viết đến những câu chuyện vinh nhục của cuộc đời một ký giả chuyên nghiệp sống qua hai chế độ Pháp thuộc, Mỹ -Ngụy. Cuốn hồi ký với 352 trang, chia làm 5 phần tựa như cuốn phim quay chậm về đời sống báo chí một thời. Cảm nhận chung của tôi khi đọc trọn cuốn "Bốn mươi năm nói láo" là sự thành thật. Tác giả không hề có ý "làm văn" khi viết cuốn này mà với một giọng tự sự, ông thuật lại một cách khá chi tiết chân thực những công việc của mình từ bỉnh bút, thư ký tòa soạn đến sửa morat...thậm chí cả những suy nghĩ ngây thơ, sai lạc và đầy ảo tưởng của ông về nghề báo buổi ban đầu.
Đó là ở cái thuở mới bước chân vào nghề báo, cậu học trò họ Vũ đã từng nghĩ: "Tôi mê nghề báo vì cho nó là một nghề đã oai mà lại hốt bạc..." (tr32) kiểu như lối ví von của dân gian "nhà báo nói láo ăn tiền". Sự ngây thơ, lãng mạn và giàu ảo tưởng ấy sớm bị cuộc sống thực "dội một gáo nước lạnh", Vũ Bằng thừa nhận: "nhưng thú thực từ lúc bắt tay vào nghề đến lúc ấy, tôi quả chưa kiếm được một đồng xu nhỏ" (tr32). Thậm chí để đến được với nghề báo Vũ Bằng đã phải trả giá không ít. Ông đã bỏ học, nghiện á phiện, học đòi đủ các ngón ăn chơi của lớp ký giả đương thời. Tuy nhiên điều đó cũng chưa tệ hại bằng việc ông đã đang tâm đạp đổ cả mơ ước của người mẹ hiền thảo đã vất vả nuôi ông ăn học với hy vọng ông sẽ trở thành một Doctor. Vũ Bằng đã rất thành thực khi viết: "Theo nhận thức của mẹ tôi, nghề báo là một nghề bạc bẽo, không nuôi sống được người làm nghề; nhưng cái đó cũng chưa can hệ bằng sự kiện này: làm báo là chửi bới người ta, là đào cha bới ông người ta lên và làm một cái gì rất tổn âm đức của cha ông mình" (tr35)...
ở đây tôi không bàn đến sự đúng sai trong cách nghĩ trên song thật sự rất chia sẻ với tác giả những rào cản ngay trong tư duy của nhiều người đương thời về nghề báo. Và để đến được với nghề, làm một ký giả chuyên nghiệp những lớp người như Vũ Bằng đã phải vượt qua những lớp rào cản cực kỳ to lớn từ những định kiến, kỳ thị, hẹp hòi, sai lầm của gia đình, xã hội. Điều đó khiến Vũ Bằng không phải không có lúc buồn rầu, chán nản. Mãi sau này khi đã là một ký giả nổi danh, Vũ Bằng vẫn không quên chua chát: "Bây giờ ngồi nghĩ lại "thuở ban đầu lưu luyến ấy" tôi cảm thấy nhục nhã, ê chề vô cùng, nhưng biết làm sao được" (tr 43)...
Cho dù với tất cả điều đó, Vũ Bằng vẫn đến với nghề báo như một thứ thiên duyên tiền định. Cuộc đời ký giả của Vũ Bằng đã kinh qua nhiều tờ báo: Nhựt Tân, Trung Bắc Tân Văn, An Nam tạp chí, Rạng đông, Công dân, Tương lai, Vịt đực, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá, Trung Bắc chủ nhật...Ông đã yêu và đã sống với nó trong cả những lúc vinh quang lẫn khi tủi nhục nhất. Những khi báo bán chạy, uy vọng của ký giả lẫy lừng, Vũ Bằng cùng với các anh em đã có những ngày tháng tột cùng hạnh phúc. Lúc báo ế, không tiền, nợ nần, đói khát, khốn quẫn, ngã lòng. Những lúc ấy trong các đồng nghiệp ai chung thủy ai quay quắt, ai thay lòng đổi dạ Vũ Bằng đều từng nếm trải.
Tác phẩm "Bốn mươi năm nói láo"của Vũ Bằng không chỉ đơn thuần là cuốn hồi ký về nghề mà hơn thế nó là góc nhìn có tính sử liệu của một người trong cuộc. Người làm chứng nhân, dự phần vào đời sống báo chí của cả một dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Nếu như ở phần I, II và III của cuốn sách tác giả định danh nội dung với tên gọi: Báo tếu, Báo đấu tranh, Báo xây dựng thì ở chương IV của cuốn sách, Vũ Bằng lại mang đến một cái nhìn khác về thời sự báo chí. Đây là giai đoạn sau 1954, Vũ Bằng di cư vào Nam, tiếp tục nghiệp ký giả dưới chế độ Mỹ- Ngụy. Qua những trang viết của Vũ Bằng, chúng ta thêm hiểu biết về những ngày tháng gian nan của nghề viết dưới chế độ miền Nam.
Từ những ngày tháng các ký giả phải vừa nghe ngóng, vừa viết lách trong nỗi lo sợ phập phồng bàn tay khát máu của chế độ độc tài họ Ngô đến thời đoạn "quân hồi vô phèng" hết phe này, đến thế lực kia lên nắm quyền, rồi, đảo chính...Vũ Bằng lúc ấy đóng vai trò là một "yếu nhân" của nhiều tờ báo: Liên Hiệp, Tiếng Dân, Công Luận, Courrier du Việt Nam, Hòa Bình, Lửa Sống, Dân Chúng, Thế giới, Công chúng...đã không thể không đại diện cho thái độ của mỗi tòa soạn. Tâm trạng và thái độ ứng xử của họ Vũ cũng phần nào phản ánh sự phức tạp, mâu thuẫn, đầy bất an của một lớp ký giả Việt Nam đương thời. Tuy nhiên trong bối cảnh ấy không phải không có những ký giả mà sự dũng cảm, tinh thần dấn thân khiến các thế lực hắc ám phải chùn tay, địa vị và sự tôn kính của người đọc dành cho nghề báo không phải không có.
Khi tôi viết những dòng này, nhiều người đọc hẳn không tránh khỏi những quan điểm khác khi nhìn nhận về những vấn đề báo chí thuộc của quá khứ. Tuy nhiên dù sao những cái nhìn khác nhau là tất yếu tùy vào mỗi người. Chỉ xin lưu ý rằng cuốn "Bốn mươi năm nói láo" trước sau không hề là "cuốn lịch sử báo chí" mà nó đơn thuần chỉ là một cuốn hồi ký của một người trong cuộc.Vì nghề nghiệp mà bất dắc dĩ làm chứng nhân cho một thời đoạn lịch sử. Do vậy góc nhìn của Vũ Bằng vẫn chỉ là góc nhìn cá nhân, góc nhìn có tính trải nghiệm của một ký giả. Dù có cố gắng báo quát, khách quan đến mấy vẫn không tránh khỏi phiến diện. Đối với điều này chỉ xin người đời sau nên thận trọng, đừng vội vàng phán xét tác giả.
Nói về giá trị của cuốn sách, có nhiều điều khiến người làm báo đời sau phải biết ơn ký giả Vũ Bằng. Đó là bên cạnh rất nhiều những dòng, trang viết về sự nhốn nháo, phồn tạp của đời sống báo chí thời Pháp và chế độ miền Nam, Vũ Bằng không bao giờ tỏ thái độ mạt sát hay bài bác những người cầm bút ở bên kia chiến tuyến. Ngược lại ông đã không quên dành một thái độ chân thành và kính ngưỡng đối với các nhà báo đi theo cách mạng, kháng chiến. Nhất là bài:"Làm báo lưu động ở khu Ba" ghi lại những khoảng thời gian Vũ Bằng đã cùng nhiều nhà văn, nhà báo của dân tộc nhập cuộc kháng Pháp. Những ngày tháng đó tuy không dài nhưng họ Vũ rất trân trọng và nâng niu: "Những ngày kháng chiến đầu tiên ở hậu phương thật là cực khổ, nhưng cũng thực vui lạ". Vũ Bằng cũng thừa nhận "sống cả một kiếp người ở nội thành không thể có những giây phút thương thương như thế".
Chương cuối cùng được coi như những quan niệm một cách nghiêm túc của một nhà báo đàn anh về nghề. Nếu như lúc trước bước chân vào nghề báo, cậu khóa sinh họ Vũ bị hấp dẫn bởi danh vọng, sự phiêu lưu và ít nhiều ảo tưởng của tuổi trẻ, thì 40 năm sau, khi đã là một ký giả nổi danh, quan niệm của ông là sự trải nghiệm, là ý thức sắc nhọn của một người biết rõ thiên chức cao quý của nghề báo. Vũ Bằng quan niệm: "Báo chí là một cơ quan bảo vệ, phổ cập chân lý: người viết báo không phải một nghề như bán bít tết khoai cho Mỹ, để vét tiền, nhưng là chiến sỹ trong một cuộc trường chinh, tranh đấu từng đợt cho tự dân chủ, cho quyền lợi của giống nòi, cho sự vươn lên của dân tộc..." hay: "Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc bởi lợi danh, không chịu để cho ngòi bút của mình bị tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo vẫn là người trong số những người đáng kính nể nhất...". Thiết nghĩ cách quan niệm về nghề báo, về thiên chức của người cầm bút như Vũ Bằng dẫu cách chúng ta hàng nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, xin được viết đôi lời về trước tác của ông, như một nén tâm hương gửi tới Vũ Bằng trong niềm kính ngưỡng vô tận.
Mai Phương