Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và các phòng, ban của Sở GD&ĐT.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2018-2019, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả nổi bật, khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần vào những thành tích chung của tỉnh. Ngành đã duy trì ổn định quy mô trường, lớp các cấp học.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao. Ninh Bình là tỉnh thứ 3 của các nước dẫn đầu về công tác phổ cập giáo dục. Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông được đổi mới; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục.
Sở GD&ĐT được UBND tỉnh xếp thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính trong số 17 sở, ban, ngành của tỉnh. Công tác giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử, an ninh, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
Kết quả một số kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 và kỳ thi THPT quốc gia 2019 đạt được những kết quả tích cực. Có 35/72 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, trong đó có 4 giải nhì; đạt 1 giải nhất kỳ thi Olympuc Toán sinh viên và học sinh Việt Nam do Hội Toán học Việt Nam tổ chức.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 được áp dụng theo quy chế thi THPT quốc gia hiện hành, diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo đúng kế hoạch và được đánh giá cao. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phối hợp với trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức thành công, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,87%, điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh tỉnh Ninh Bình đạt 5,817 điểm, xếp thứ 3 toàn quốc, và năm nay là 7 năm liên tục tỉnh Ninh Bình xếp trong tốp 5 tỉnh, thành phố có điểm trung bình tất cả các bài thi cao của cả nước...
Về công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2019-2020, đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp học. Ngành đã tiến hành rà soát các phòng học và công trình xây dựng trong trường học. Toàn tỉnh hiện có 155 trường mầm non, 153 trường tiểu học, 142 trường THCS và 26 trường THPT.
Đội ngũ giáo viên các cấp học được bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa theo đúng lộ trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT và của tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cơ sở vật chất ở một số trường học đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trường còn thiếu phòng học, bàn ghế, thiếu giáo viên bộ môn, cán bộ y tế, nhân viên phục vụ bán trú..., đòi hỏi phải được tăng cường, bổ sung, hoàn thiện.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời nêu ý kiến, thảo luận về các nội dung cần quan tâm thực hiện trong năm học mới 2019-2020, như: Kế hoạch biên chế, tuyển dụng đối với giáo viên hợp đồng, giáo viên một số bộ môn còn thiếu; việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ, nhất là cho giáo viên dạy ngoại ngữ; quan tâm đến việc dạy kỹ năng, đạo đức cho học sinh, trong đó có việc dạy bơi phòng chống đuối nước; việc đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường học; vấn đề đấu thầu thiết bị, mua sắm tập trung; việc phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đang bị xuống cấp; việc nâng học phí chuẩn bị các điều kiện cho sử dụng sách giáo khoa mới trong những năm học tới...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận những kết quả mà Ngành GD&ĐT Ninh Bình đã đạt được trong năm học 2018-2019, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, từ công tác dạy và học cho đến thi cử, đánh giá, xếp loại chất lượng giáo dục và đào tạo, không để xảy ra vụ việc nổi cộm, đáng tiếc nào, được dư luận đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương xây dựng phương án bố trí nguồn kinh phí, tăng cường đầu tư cho giáo dục, hỗ trợ xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học đã xuống cấp, tuyệt đối không để học sinh phải học tập trong điều kiện môi trường nguy hiểm, không đảm bảo độ an toàn.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư cho giáo dục mũi nhọn, dành nguồn kinh phí hoàn thiện xây dựng trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021; dành nguồn kinh phí nhiều hơn những năm trước để đầu tư cho giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bàn ghế chuẩn cho các nhà trường; có cơ chế hỗ trợ bổ sung kinh phí thường xuyên cho các trường mầm non để mua sắm đồ dùng, đồ chơi....
Đồng thời yêu cầu các nhà trường quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng dạy bộ môn ngoại ngữ, tin học; bố trí đủ giáo viên, đủ tiêu chuẩn đứng lớp; giữ vững kỷ cương trường lớp...
Cũng tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động việc đôn đốc, kiểm tra, ứng phó với cơn bão số 3. Các đồng chí lãnh đạo các địa phương cũng trao đổi, bàn giải pháp ứng phó với mưa bão. Chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo đúng quy định, có văn bản chỉ đạo các xã, phường chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần tại chỗ, kiểm kê trang thiết bị, đánh giá hiện trạng công trình; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão.
Mỹ Hạnh - Minh Quang