Tại trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình), cô giáo Vũ Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không phải bây giờ, đã nhiều năm nay, nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường nhằm chủ động phòng chống trước khi vụ việc xảy ra.
Theo đó, ngoài phát huy triệt để hoạt động của Tổ tư vấn học sinh nhà trường với 22 thành viên, gồm đại diện Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách Hội, Đội, các bộ môn xã hội... nhà trường còn tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa thu hút các em học sinh tham gia, hạn chế thấp nhất các hoạt động tụ tập nhóm không lành mạnh như chơi games, chát chít trên mạng, tụ tập tại vỉa hè, quán xá...
Năm học 2018-2019, trường THCS Trương Hán Siêu đã tổ chức 2 diễn đàn "Phòng chống bạo lực học đường" quy mô cấp trường, mời những chuyên gia đến truyền đạt về nguyên nhân, biện pháp, hậu quả do bạo lực học đường....
Đồng thời, trong các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt cuối tuần, đầu giờ tại từng lớp, các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh không chơi với bạn xấu, không xem các video, clip bạo lực trên mạng Internet...
Đặc biệt, nhà trường nắm bắt và phân loại những đối tượng học sinh chưa ngoan, phối hợp chặt chẽ với công an phường Thanh Bình trong việc kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, đồng thời giáo viên chủ nhiệm cùng bạn bè trong lớp thường xuyên gần gũi động viên, nhắc nhở để học sinh tiến bộ.
Theo nhiều giáo viên, nguyên nhân gây ra bạo lực học đường thì có nhiều, trong đó chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, thích thể hiện, số ít trong đó là do có người cổ vũ và thiếu sự quan tâm của gia đình. Địa điểm diễn ra bạo lực chủ yếu ở ngoài nhà trường nên sự can thiệp kịp thời của các thầy, cô giáo và lực lượng liên quan còn có mức độ, nhiều khi để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Nhiều học sinh khi được hỏi, nếu bị bạo lực, các em sẽ làm gì, hầu hết các em chọn thông báo với cô giáo chủ nhiệm và gia đình, nhưng cũng có nhiều em chọn phương án đánh lại vì không thể chịu được khi bị bạn bắt nạt, coi thường. Điều đáng nói là đa số học sinh liên quan đến bạo lực ở trường đều xuất phát từ gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thiếu quan tâm, môi trường xung quanh không tốt.
Do đó, việc nắm bắt tính cách đối tượng học sinh, thấu hiểu hoàn cảnh, quan tâm yêu thương các em của mỗi thầy, cô giáo và bạn bè có vai trò rất quan trọng để các em không trở nên hư hỏng, vi phạm pháp luật.
Để phòng chống và ngăn chặn kịp thời các vụ việc bạo lực học đường có thể xảy ra ở các đơn vị trường học trong tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo thực hiện an ninh trật tự, an toàn trường học.
Theo đó yêu cầu tăng cường da dạng các hình thức phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật và các quy định về đạo đức nhà giáo tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường; nâng cao vai trò trách nhiệm bằng các hình thức cam kết của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, cha mẹ học sinh trong việc đảm bảo thực hiện các quy định về hành vi, đạo đức, lối sống theo các quy định của Pháp luật; lên án, phê bình, kỷ luật, đánh giá hạ mức hạnh kiểm những cá nhân, tập thể có biểu hiện vô cảm, thiếu trách nhiệm, che dấu những hành vi bạo lực học đường.
Cùng với đó tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường với lực lượng Công an và cha mẹ học sinh để giám sát, quản lý, nắm bắt tình hình biểu hiện của các đối tượng học sinh cá biệt, học sinh hư để ngăn chặn kịp thời các vi phạm bạo lực học đường, gây rối trật tự công cộng..., hạn chế thấp nhất nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.
Mỹ Hạnh