Thực tế cho thấy, nhu cầu về giống cây hoa Ban rất lớn trong khi chưa có cơ sở cung cấp nguồn giống, sản xuất ươm trồng. Do đó, nhóm tác giả công tác tại Ban Quản lý Công viên động vật hoang dã Quốc gia tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu, tuyển chọn, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển một số loài hoa Ban".
Hoa ban có nhiều loại: ban đỏ, ban tím, ban trắng, có hoa lá rất đẹp. Cây hoa Ban có thời gian nở hoa dài, từ tháng 3 đến tháng 5. Với đồng bào miền núi Tây Bắc, hoa Ban là "cuốn lịch" mùa xuân để dựa vào đó họ tính ngày tra ngô, làm nương, nhặt cỏ. Hoa Ban báo hiệu mùa màng, nắng mưa...
Tuyệt vời hơn thế, hoa Ban có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, chúng xuất hiện trong các lễ hội, không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên để thể hiện lòng thành kính với người đi trước. Riêng hoa Ban trắng được sử dụng nhiều trong những món ăn của người Thái...
Tại Ninh Bình, bắt đầu từ tháng 2/2018, nhóm tác giả thực hiện đề tài tiến hành thu thập, chọn lựa các giống cây hoa Ban trồng ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai. Vì các tỉnh này có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hóa đa dạng, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng.
Địa hình khí hậu ở Nho Quan nói riêng và địa bàn Ninh Bình nói chung gần tương đồng với điều kiện tự nhiên với các tỉnh miền núi phía Bắc, rất thích hợp để thực hiện đề tài trên.
Với 3 mẫu giống hoa Ban (Ban đỏ, Ban tím, Ban trắng), nhóm tác giả tiến hành thu thập, chọn lựa mỗi giống thu được 1.500 hạt (tổng số thu được 4.500 hạt); xây dựng vườn gieo ươm 0,1 ha để gieo đủ số lượng hạt giống; thực hiện các bước: ngâm ủ nảy mầm, gieo bầu, chăm sóc hằng ngày, loại bỏ những cây xấu, cây bị sâu bệnh; theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng. Có các biện pháp chăm sóc kịp thời để lượng cây giống có thể đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Cùng với đó, nhóm tác giả tiến hành điều tra thu thập 3 mẫu giống hoa Ban (loại cây từ 3-4 năm tuổi), có đường kính thân 4-5cm, mỗi loại 120 cây được trồng thành vườn nhân giống với quy mô 0,3 ha. Đảm bảo cây thu thập về trồng tại vườn tập hợp giống là những cây thực sinh và có nguồn gốc giống rõ ràng, cây sinh trưởng khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Vườn tập hợp giống với 3 loại mẫu giống đủ tiêu chuẩn để làm cành ghép.
Đến nay, đề tài đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan. Cụ thể, như xây dựng mô hình trồng thâm canh cây hoa Ban với quy mô 5ha, trong đó có mô hình 2,5ha cây ghép và 2,5ha cây thực sinh tại Ban Quản lý Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình.
Trong gần 4 năm thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài cũng luôn chú trọng việc chuyển giao nhân lực, như đào tạo được 5 kỹ thuật viên thành thục các phương pháp gieo ươm cây bằng hạt, phương pháp ghép cành... Đồng thời tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất cây hoa Ban tại các hộ dân thực hiện.
Thạc sỹ Tô Văn Vượng, Chủ nhiệm đề tài cho hay: Đề tài triển khai nghiên cứu các công đoạn từ gieo ươm đến khi cây ra hoa, nên có thể lựa chọn được những ưu thế của các công đoạn, giảm chi phí đầu tư, chủ động nguồn giống, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Việc chọn được giống cây hoa Ban phù hợp với điều kiện khí hậu Ninh Bình sẽ là nguồn cung cấp giống hoa trong công tác trồng rừng, trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị.
Về mặt môi trường, cây hoa Ban là loài cây gỗ, sống lâu năm, có tán lá dày và rộng, hệ rễ rất phát triển và ăn sâu trong đất nên phát huy khả năng phòng hộ, chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất tạo ra cảnh quan xanh tươi. Nhân giống và trồng hoa Ban thành công ở Ninh Bình sẽ góp phần tạo diện mạo mới về cảnh quan sinh thái, môi trường du lịch. Người dân và khách du lịch đến Ninh Bình không chỉ được ngắm hoa Ban mà còn được thưởng thức nhiều món ăn mới, được chế biến từ hoa Ban mang nét đặc trưng của đồng bào vùng cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh