Mô hình dân vận khéo này được hình thành từ chính những yêu cầu thực tiễn của địa phương. Qua khảo sát của Ban chấp hành Đoàn phường cho thấy, trong thời gian dài trước đó, tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm học sinh đến trường và giờ tan học trên địa bàn diễn ra thường xuyên. Không những thế, tình trạng bày bán hàng hóa trên vỉa hè, dưới lòng đường trước khu vực trường học diễn ra tràn lan làm cho tình trạng ùn tắc càng thêm nhức nhối, gây không ít bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của các nhà trường cũng như tình hình giao thông, an ninh trật tự tại địa phương. Nhớ lời dạy của Bác "Dân vận khéo việc gì cũng thành công", Đoàn phường đã mạnh dạn lập kế hoạch cụ thể xây dựng mô hình dân vận khéo "Cổng trường an toàn giao thông" nhằm góp phần giải quyết tình trạng trên. Những ngày đầu triển khai, nhiều bậc phụ huynh còn chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của mô hình nên chưa nhiệt tình hưởng ứng, cá biệt có trường hợp còn có lời lẽ phản cảm, gây ức chế cho lực lượng thanh niên tình nguyện trực vào giờ cao điểm tại các cổng trường học. Nhiều người vẫn giữ thói quen dừng, đỗ xe trước cổng trường không đúng quy định… Phát huy tinh thần "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" theo lời dạy của Bác, giải pháp quan trọng mà Đoàn phường đề ra để khắc phục những khó khăn này là kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân theo phương châm "mưa dầm thấm sâu". Nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, về ý thức văn hóa khi tham gia giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Đồng thời đội ngũ thanh niên tình nguyện của phường còn tận tình chỉ dẫn khu vực dừng đỗ xe đến từng phụ huynh học sinh, tổ chức phân luồng giao thông vào giờ cao điểm, chỉ dẫn giao thông cho các em học sinh tại thực địa cũng như thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, qua các buổi họp phụ huynh.
Với các đối tượng là người bán hàng không đúng nơi quy định, Đoàn phường chọn cách tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, thông qua các hội nghị của Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các hội nghị tổ dân phố và đặc biệt là các buổi ra quân tuyên truyền, phổ biến của Đoàn phường. Để có thế tiến hành tuyên truyền thường xuyên, Đoàn phường đã thành lập 2 đội hình thanh niên tình nguyện gồm 50 người trực tại khu vực cổng trường trong cả tháng 3 (sáng từ 6h30-7h30, chiều từ 16h15-17h15)- tháng triển khai mô hình và duy trì tháng cao điểm vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Các tháng còn lại giao cho chi đoàn thanh niên của 2 nhà trường và 2 liên đội duy trì thường xuyên mô hình. Đồng thời chủ động làm các biển báo chỉ dẫn, phân khu vực dừng đỗ xe của phụ huynh chờ đưa học sinh đến trường và đón các em vào giờ tan học; căng treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông… Đoàn phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hoạt động này để đảm bảo mô hình được triển khai nghiêm túc, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Theo ghi nhận, với việc duy trì mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", tình trạng vi phạm trật tự đô thị, ùn tắc giao thông tại Trường Tiểu học Thanh Bình và Trường THCS Trương Hán Siêu vào giờ cao điểm đã giảm mạnh, các bậc phụ huynh dựng, đỗ xe ngay ngắn đúng nơi quy định góp phần xây dựng hình ảnh cổng trường thông thoáng, an toàn. Tình trạng bày bán hàng hóa trước khu vực trường không còn diễn ra. Mô hình nhận được phản hồi tích cực từ nhân dân, góp phần không nhỏ cùng với địa phương xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Kinh nghiệm để Đoàn phường Thanh Bình duy trì hiệu quả mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" chính là việc phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên theo lời dạy của Bác, đồng thời kiên trì, khéo léo, tận tình hướng dẫn cho người dân; kiên quyết với những trường hợp cố tình vi phạm, có biện pháp đề nghị nhà trường, UBND phường can thiệp khi cần thiết. Tuyên truyền, vận động đề xuất vị trí ngồi mới cho những hộ kinh doanh tại cổng trường đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Đào Duy