Gặp gỡ và trò chuyện với Phạm Tiến Diện, ĐVTN ở xã Ninh Thắng (Hoa Lư), chúng tôi cảm nhận được sự chân chất của chàng trai này. Phạm Tiến Diện là 1 trong 50 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, được Tỉnh đoàn tuyên dương, khen thưởng vào tháng 3 vừa qua. Diện cho biết: Sinh ra trong gia đình thuần nông có 3 anh em trai. Học xong THCS, Diện quyết định theo học trung cấp nghề nấu ăn ở Hải Dương. Kết thúc khóa học Diện đi làm đầu bếp cho một số nhà hàng ở Ninh Bình.
Năm 2012, Diện lập gia đình. Cuộc sống 2 vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn do cả hai đều chưa có kinh nghiệm trong tổ chức gia đình, đặc biệt là kinh tế eo hẹp. "Làm đầu bếp cho nhà hàng mặc dù lương khá ổn, song lại đi tối ngày khiến "con không biết mặt cha" nên tôi quyết định về nhà để lập nghiệp, khi ấy tôi chọn việc "làm cỗ thuê" tại nhà để khởi nghiệp. Đây cũng là quãng thời gian chật vật nhất với tôi, vì việc đi thuyết phục các gia đình khi có công việc nhờ mình đến làm cỗ thuê là điều khó khăn. Bởi không phải ai cũng tin để giao việc trọng trách của cả gia đình cho người mà họ chưa biết có khả năng đến đâu? Thế là, ngày đó, ở trong làng, xóm nhà ai có việc, tôi đều nhận tham gia giúp đỡ khâu làm bếp, đấy cũng là cách để tôi có thể "quảng bá" khả năng của mình.
Nhanh nhẹn, nhiệt tình, phục vụ chu đáo, cẩn trọng, nấu ăn ngon, trình bày món ăn có thẩm mỹ cao... là những nhận xét mà những ai đã từng thuê Diện làm đầu bếp, "Tiếng lành đồn xa" cũng từ đó. Khởi nghiệp từ công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ chút nào, bởi "chinh phục dạ dày của thực khách" là cả một quá trình bền bỉ và phải thực sự xuất phát từ tâm của người làm. Thế nhưng đến nay chàng trai 31 tuổi - Phạm Tiến Diện đã khá thành công. Hiện Diện đã xây dựng cho mình một hệ thống phục vụ nấu ăn tại nhà một cách chuyên nghiệp với 7 đầu bếp là những lao động thường xuyên được Diện trả lương, thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, khi khách hàng có nhu cầu đặt số lượng bàn ăn lớn, Diện huy động thêm hàng chục người tham gia làm cùng và được trả theo công nhật. Trước mỗi yêu cầu đặt đơn hàng của khách, Diện đều tư vấn, lựa chọn các loại thực phẩm tươi, ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm... Do vậy, khách hàng của Diện ngày càng nhiều, không chỉ trong vùng mà từ nhiều nơi như Hà Nội, Hà Nam... cũng tìm đến để đặt hàng.
Chúng tôi tìm gặp Diện, khi anh đang tất bật hoàn thiện khu nhà hàng nhỏ của gia đình, Diện cho biết: Quá trình nấu ăn cho khách hàng, tôi nhận thấy hiện nay ở Ninh Thắng vẫn thiếu địa điểm để có thể phục vụ một lượng khách lớn, do vậy, tôi quyết định đầu tư xây nhà hàng. Tôi hi vọng, nhà hàng của tôi có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong vùng. Trong tương lai xa hơn, tôi sẽ thành lập công ty để mô hình kinh doanh, phục vụ nấu ăn tại nhà được mở rộng, phát triển hơn nữa.
Khi được hỏi: việc được tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác có bất ngờ với anh? Diện cười hóm hỉnh: Thực ra tôi nghĩ mình chưa làm được gì nhiều và cũng chưa có đóng góp gì nhiều cho xã hội. Với tôi, thanh niên làm theo lời Bác chính là thấy khó mà không ngại, tôi chưa bao giờ cho phép mình lùi bước trước khó khăn, phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm...
Phạm Tiến Diện có thể chưa phải là người quá giàu như nhiều người nghĩ, nhưng cái cách mà chàng trai trẻ này suy nghĩ, hành động và biết vượt khó, vươn lên trở thành người có ích thì thật đáng để trân trọng. Phát hiện, biểu dương các điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác là một trong những cách làm của các cấp bộ Đoàn trong nhiều năm qua nhằm nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Trong 2 năm (2018-2019), Tỉnh đoàn đã tuyên dương 120 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Đây là những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện chủ đề công tác năm của BCH Đảng bộ tỉnh. Đáng chú ý, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã được cấp bộ Đoàn trong tỉnh vận dụng sáng tạo, đưa các nội dung học tập và làm theo lời Bác vào các chương trình, phong trào, cuộc vận động của Đoàn, Hội, Đội với nhiều hình thức, cách làm phù hợp.
Thấm nhuần lời Bác dạy "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động hướng về cơ sở, chú trọng phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: Chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; triển khai phong trào "Thiếu nhi Ninh Bình thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy" và thực hiện các công trình "Thanh niên làm theo lời Bác"... Năm 2018, toàn tỉnh có 273 công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng; sửa chữa 61 km đường, bê tông hóa 18,9 km đường giao thông; vận động hơn 1.800 ngày công tham gia nạo vét, đào đắp gần 4.100m3 kênh mương, khơi thông 51,2 km dòng chảy, xây dựng 19,2 km thủy lợi nội đồng; lắp đặt và sửa chữa 50 km đường điện "Thắp sáng đường quê" trị giá trên 1 tỷ đồng. Hoạt động vì an sinh xã hội cũng được triển khai rộng khắp, qua đó huy động các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, cá nhân chung sức giúp đỡ các gia đình, đối tượng chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cấp bộ Đoàn đã vận động, quyên góp kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 20 ngôi nhà nhân ái với trị giá gần 2 tỷ đồng; tổ chức cải tạo vườn tạp, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, người nghèo... Ngoài ra, thanh niên còn tích cực tham gia hoạt động xây dựng văn minh đô thị, nếp sống văn hóa vùng nông thôn...
Những kết quả đạt được từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã khơi dậy ý thức thi đua học tập, lao động sáng tạo của đông đảo các tầng lớp thanh niên trong tỉnh, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Mai Lan