Trần Trung Hiếu, Bí thư đoàn xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) là nhân vật chính của đám cưới văn minh, tiết kiệm vừa được tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua. Chia sẻ về lễ cưới của mình, anh Hiếu cho biết: Là thế hệ trẻ, song mỗi lần nghe các ông, bà kể chuyện đám cưới ngày xưa, tôi thực sự thấy xúc động. Ngày ấy, dù khó khăn vất vả nhưng những đám cưới vẫn diễn ra tình cảm, tràn đầy tình yêu thương giữa anh em, gia đình, dòng họ, bà con lối xóm. Bên ấm nước chè xanh, đĩa trầu không, buổi tối trước ngày rước dâu, mọi người quần tụ để trò chuyện, chúc mừng cho đôi bạn trẻ.
Ngày ấy, góp vui cho hôn lễ chỉ là những tiết mục cây nhà lá vườn, lời ca tiếng hát được cất lên từ những nam thanh, nữ tú trong làng, quà cưới đơn giản chỉ là những vật dụng cần thiết cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ, như đồng hồ, thau chậu, xoong nồi, bộ cốc chén, tấm tranh ảnh trẻ em… ấy vậy mà ai cũng vui, cũng hoan hỉ. Những lễ cưới giản dị ấy của ông bà tôi và bao thế hệ khác nữa đã sống với nhau thật hạnh phúc, ấm êm suốt cả một đời.
Cuộc sống bây giờ đầy đủ hơn, vì vậy mà lễ cưới cũng sinh ra nhiều lễ nghĩa, rườm rà. Nhưng hạnh phúc không nằm ở mâm cao, cỗ đầy, vì vậy trong sâu thẳm, tôi vẫn luôn mong muốn có một đám cưới giản dị, đầm ấm như thế. ý nguyện này được gia đình hai bên hoàn toàn ủng hộ. Lễ cưới của vợ chồng tôi được tổ chức gọn gàng, giới hạn về khách mời và chỉ diễn ra trong hơn 1 ngày.
Trong lễ cưới, chúng tôi cũng thống nhất loại bỏ nhiều hủ tục rườm rà và đặc biệt là không có thuốc lá trong khâu tiếp khách. Giản dị trong khâu tổ chức, song lễ cưới vẫn đảm bảo trang trọng, đầm ấm và trọn vẹn ý nghĩa là sự kiện trọng đại của một đời người.
Lễ cưới của Bí thư đoàn xã Trần Trung Hiếu chỉ là một trong hàng trăm lễ cưới văn minh, tiết kiệm ở xã Thượng Kiệm được tổ chức từ năm 2014 trở lại đây. Anh Hiếu chia sẻ thêm, những năm qua, Đoàn xã Thượng Kiệm đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhất là đối với việc cưới trong đội ngũ đoàn viên, thanh niên trong xã.
Bên cạnh đó, Đoàn xã còn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là chủ đề chính trong công tác dân vận, làm chuyển đổi nhận thức của nhân dân trong xã. Công tác tuyên truyền ban đầu gặp nhiều khó khăn, do từ lâu nay người ta vẫn quan niệm, trong đời người chỉ một lần làm đám cưới, ai cũng muốn lễ cưới được tổ chức trang trọng, chu đáo, cho bằng mọi người. Vậy nên gia đình khó khăn cũng cố gắng vay mượn để lo đám cưới cho tươm tất, dù sau đó phải "kéo cày trả nợ". Để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ xưa cũ đó không hề đơn giản.
Do đó, việc thuyết phục các gia đình để tổ chức đám cưới theo hình thức văn minh, tiết kiệm còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, cả hệ thống chính trị của xã Thượng Kiệm đã vào cuộc đồng bộ trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là nêu cao sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đoàn viên, nhờ đó, phong trào đã đi vào đời sống xã hội, dần dần trở thành nền nếp.
Đồng chí Trần Thị Thu Hương, Bí thư huyện đoàn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, phong trào "Cưới văn minh, tiết kiệm" được đoàn viên, hội viên trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào thi đua của các đơn vị với nội dung thực hiện "6 không": Không ăn uống linh đình, kéo dài; không hút thuốc lá; không tổ chức quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi văn nghệ quá 22h, tổ chức hôn lễ không quá 45 phút; không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia say, gây mất an ninh trật tự và tổ chức đánh bạc; không vi phạm luật an toàn giao thông, nhất là trong quá trình tổ chức đưa, đón dâu.
Ban Thường vụ Huyện đoàn Kim Sơn đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các hoạt động lồng ghép, đồng thời đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội. Tổ chức mô hình kiểu mẫu, mô hình điểm cấp huyện, cấp cơ sở, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ gia đình về công tác chuẩn bị, tổ chức đám cưới. Mỗi đám cưới được tổ chức, Ban Thường vụ Huyện đoàn hỗ trợ về người dẫn chương trình, đàn nhạc là cán bộ đoàn...
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng tích cực chỉ đạo các cơ sở Đoàn - Hội, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương để thực hiện tốt phong trào. Các chi đoàn, chi hội theo dõi, nắm tình hình đoàn viên, hội viên, thanh niên trong độ tuổi kết hôn, nhất là những thanh niên chuẩn bị lập gia đình; chủ động tiếp cận, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau; đồng thời tiếp tục nhân rộng các gương điển hình, tập thể tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm. Huyện đoàn cũng giáo dục cho đoàn viên, thanh niên ý thức giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, đồng thời dũng cảm đấu tranh xóa bỏ tận gốc những hủ tục lạc hậu trong việc cưới.
Đặc biệt, với việc gần 100% các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành đoàn các cấp khi lập gia đình đều tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm đã để lại hình ảnh đẹp, gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng dân cư. Sự gương mẫu, đi đầu của lực lượng đoàn viên, thanh niên đã thực sự tạo được sức lan tỏa rộng khắp, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ, từng bước thay đổi nhận thức của rất nhiều gia đình, tạo nên chuyển biến mới về văn hóa, nếp sống trong việc cưới.
Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã tổ chức được 90 đám cưới văn minh, tiết kiệm; trong đó tổ chức 2 đám cưới văn minh, tiết kiệm kiểu mẫu với cô dâu, chú rể đều là cán bộ Đoàn.
Đào Hằng