Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông Thịnh đó là sự nhanh nhẹn, cởi mở, và mặc dù đã bước vào tuổi 76, nhưng ông vẫn còn khá khỏe mạnh. Qua trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, ông có 4 người con, trong đó có 3 con trai và một con gái.
Trước khi nghỉ hưu, ông là công nhân của Nông trường Đồng Giao. Ông Thịnh tâm sự, ngay từ thời điểm còn tham gia công tác ở Nông trường, ông đã ấp ủ dự định thực hiện mô hình kinh tế trang trại vườn đồi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chính vì vậy, thời gian đầu sau khi nghỉ hưu ông đã đi nhiều nơi để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trồng cây cảnh. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu, nâng cao trình độ hiểu biết qua sách báo, tài liệu hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh. Trên diện tích vườn 1.200 m2 của gia đình, ông đã đưa vào trồng nhiều loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao như: Sanh, si, lộc vừng... và nuôi hàng chục đàn ong.
Nhận ra lợi thế của một địa phương miền núi, gia đình lại có mảnh vườn rộng nên ông quyết định đưa ong vào nuôi lấy mật, một phần để phục vụ việc chữa bệnh cho bản thân bị đau dạ dày, còn lại mang bán tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Đến nay trong vườn nhà thường xuyên có từ 200-250 cây cảnh các loại, trong đó có nhiều loại cây được uốn thế rất kỳ công. Đàn ong của gia đình hiện nay cũng đã tăng lên 50 đàn. Mỗi năm gia đình thu được khoảng 15-20 triệu đồng tiền cây cảnh và trên 30 triệu đồng tiền mật ong.
Ngoài thời gian chăm sóc vườn cây cảnh, ông Lê Thái Thịnh và vợ là bà Phạm Thị Đào (năm nay đã 72 tuổi) lại dành thời gian tham gia vào các hoạt động của Chi hội người cao tuổi phố 15.
Trong những buổi sinh hoạt chi hội, ông Thịnh thường xuyên đóng góp ý kiến vận động, giúp đỡ hội viên cùng tham gia phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Bài và ảnh: Ngọc Quyền