Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 -2020, tỷ lệ nữ cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong công tác cán bộ nữ.
Để công tác cán bộ nữ được quan tâm đúng mức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát huy vai trò tham mưu của các cấp, các ngành, nhất là Ban Tổ chức cấp ủy, ngành Nội vụ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Phụ nữ các cấp,.. ngay từ khâu phát hiện, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng.
Do đó, nhiều chị em phụ nữ được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mọi mặt, ngày càng tham gia nhiều vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Nhiều cán bộ nữ đã khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Nhiều chị được Đảng, Nhà nước, nhân dân tín nhiệm đảm nhận cương vị, trọng trách quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nhiều chị đã phát huy tốt năng lực, sở trường trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp trong tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 -2020, tỷ lệ nữ cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp cơ sở có 821 cấp ủy viên nữ, đạt 20,1%, tăng 1,7%. Toàn tỉnh có 104/145, đạt tỷ lệ 71,7% xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nữ cấp ủy từ 15% trở lên; có 53 nữ ủy viên Ban Thường vụ, trong đó có 7 Bí thư và 30 Phó Bí thư.
Cấp huyện và tương đương có 78 cấp ủy viên nữ, đạt 18%, có 17 nữ ủy viên ban thường vụ, tăng 11 ủy viên, có 1 Bí thư, 1 Phó Bí thư. Cấp tỉnh có 8 đồng chí nữ cấp ủy, đạt 15,7%, tăng 4,2%, có 2 nữ ủy viên Ban Thường vụ. Nhiệm kỳ 2011-2016, tỉnh có 3 nữ đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ 50%, cao nhất toàn quốc.
Đối với HĐND các cấp, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND đều tăng từ 2% đến 4% so với nhiệm kỳ trước. Cấp tỉnh đạt 30%, tăng 2, có 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là nữ; Cấp huyện đạt 28,15%, tăng 3,96%, có 3 Phó Chủ tịch HĐND; Cấp xã đạt 23,57%, tăng 4%.
Với vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, các nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyên vọng, các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề xuất, kiến nghị và phối hợp giải quyết được cử tri và nhân dân tín nhiệm.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu của dân nói chung và khẳng định vai trò của đại diện cho giới nữ, các chị không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, chủ động nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật và tham gia giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội, HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, của địa phương, trong đó quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trên các lĩnh vực.
Nhìn chung, các nữ đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu của nhân dân, luôn gương mẫu, nêu cao trách nhiệm và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của HĐND, phát huy quyền làm chủ của dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp.
Cùng với những kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ của tỉnh cũng đứng trước một số thách thức, khó khăn như: tỷ lệ cán bộ nữ của tỉnh đã tăng, nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ. Cán bộ nữ chủ chốt chủ yếu là cấp phó của khối Đảng, đoàn thể và khối văn hóa xã hội.
Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện, cơ sở dưới mức quy định (30%). Cơ cấu nữ đại biểu HĐND thường kèm theo nhiều cơ cấu tuổi trẻ, dân tộc thiểu số, tôn giáo, ngoài Đảng... nên khó chọn được người tiêu biểu thực sự đại diện cho cử tri, cho giới nữ; chưa phản ảnh đúng thực chất lực lượng phụ nữ trong tỉnh…
Vừa qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội thảo về "Giải pháp tăng tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021". Hội thảo với sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương để lấy ý kiến đóng góp, thống nhất giải pháp hữu hiệu phát huy vai trò của các cấp, các ngành trong tỉnh để thực hiện các quy định về tỷ lệ và nâng cao chất lượng nữ đại biểu HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới. Đây cũng là một trong các giải pháp để góp phần từng bước tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 sắp đến gần. Theo quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, phải đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách chính thức ít nhất là 35%.
Với sự quan tâm sát sao đến công tác cán bộ nữ, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị, Kết luận số 55-KL/TƯ ngày 18-01-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1213-CV/TU ngày 12-6-2013 xác định chỉ tiêu cơ bản là phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%.
Sự quan tâm của tỉnh là tín hiệu vui để công tác cán bộ nữ nói chung và đặc biệt nữ đại biểu HĐND các cấp vừa đảm bảo số lượng và nâng cao về chất lượng, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Bùi Diệu