Đây là hoạt động thiết thực của toàn ngành báo công lên Bác. Năm học 2008 - 2009, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các nhà trường trong tỉnh đã đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc các mục tiêu và nhiệm vụ của năm học. Cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các nhà trường, các địa phương đã rất quan tâm đến việc phát hiện và bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, TDTT.
Trong năm học 2008-2009, học sinh của ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đoạt được: 39 giải học sinh giỏi Quốc gia lớp 12; 23 giải tại kỳ thi Giải toán trên máy tính cầm tay khu vực; 1.548 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 210 giải và huy chương tại các hội thi văn nghệ, thể thao cấp tỉnh và nhiều giải thưởng khác tại các hội thi cấp trường, cấp huyện, thành phố, thị xã.
Tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm 2009 tỉnh ta có 66 em dự thi ở 11 môn. Kết quả: có 39 em đoạt giải, chiếm tỷ lệ 59,1% (6 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích), tăng 21,2% số giải so với năm 2008 (25 giải, chiếm 37,9%) và chất lượng giải cũng tăng lên. Với 11 đội tuyển tỉnh ta có đủ 11 môn có học sinh đoạt giải, trong đó: Môn Tiếng Nga có 6 giải (3 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích, môn Hóa học có 5 giải (1 giải nhì, 1 giải ba, 3 giải khuyến khích); môn Ngữ văn có 5 giải (3 giải ba, 2 giải khuyến khích); các môn Sinh học và Vật lý đều có 4 giải, trong số 39 em đoạt giải có 8 em đang là học sinh lớp 11, trong đó có em Lê Thế Hiển học sinh lớp 11 Tin của Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đoạt giải Nhì và được Bộ Giáo dục - Đào tạo gọi tập huấn dự tuyển thi Olympic quốc tế môn Tin học.
Bên cạnh trường chuyên Lương Văn Tụy còn có các trường THPT khác đã có học sinh giỏi Quốc gia như: THPT Yên Khánh A (3 giải) và THPT Yên Mô A (1 giải), đóng góp quan trọng vào thành tích chung của tỉnh. Cuộc thi học sinh giỏi Giải toán trên máy tính cầm tay được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp khu vực. ở cấp tỉnh, đây là kỳ thi có quy mô lớn hơn các năm trước về số lượng thí sinh tham gia và số môn thi. Lớp 9 THCS có 37/80 em dự thi (môn Toán) đoạt giải. Lớp 12 THPT có 139/300 em dự thi (4 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh) đoạt giải. Lớp 12 bổ túc THPT có 15/40 em dự thi (môn Toán) đoạt giải.
Thi học sinh giỏi Giải toán trên máy tính cầm tay lớp 9, lớp 12 THPT và lớp 12 Bổ túc THPT cấp khu vực: Đoàn tuyển Ninh Bình có 30 học sinh dự thi, kết quả có 23 học sinh đoạt giải, đạt tỷ lệ 76,7%, cao hơn so với năm học trước là 21,7%. Đây là lần thứ 7 liên tiếp đội tuyển của Ninh Bình đạt giải cao tại kỳ thi khu vực. Toàn đoàn xếp thứ 3 trên tổng số 8 tỉnh tham dự.
Về kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 THCS, lớp 12 THPT và bổ túc THPT: Thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh: Có 419/670 học sinh dự thi đoạt giải, chiếm 62,5% (cao hơn so với năm học trước 6,4% về số giải). Thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh: Kết quả: 435/827 thí sinh dự thi đoạt giải (26 giải nhất, 91 giải nhì, 132 giải ba, 156 giải khuyến khích), chiếm 52,6% (so với năm học trước thấp hơn 6,4% số giải). Thi chọn học sinh giỏi lớp 12 bổ túc THPT cấp tỉnh: có 13/59 học viên dự thi đoạt giải (4 giải ba, 9 giải khuyến khích), chiếm 22% (thấp hơn năm học trước 15,5%). Giao lưu học sinh giỏi tiểu học cấp tỉnh với tổng số 193 học sinh khối lớp 5 tham gia. Kết quả, 164 em đoạt giải, chiếm 84,9%, trong đó: Có 16 giải nhất, 27 giải nhì, 45 giải ba, 76 giải khuyến khích. Qua cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong trường tiểu học, tạo cơ hội cho học sinh được giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi phương pháp học tập. Hội thi tìm hiểu về ATGT cho học sinh cấp tiểu học có 100 em của 8 huyện, thành phố, thị xã tham gia đã đạt kết quả đáng khích lệ trong các nội dung thi. Các đơn vị có thành tích cao, đó là: Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Tam Điệp, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Ninh Bình.
Thực hiện chủ đề năm học "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin" và hưởng ứng cuộc vận động "Tổ chức sân chơi trí tuệ trực tuyến một số môn học" do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động, cuộc thi Giải toán qua Internet cấp tỉnh học sinh tiểu học và THCS đã được tổ chức quy mô và đạt hiệu quả cao. Qua các vòng thi, đợt thi cấp trường, cấp huyện đã có hơn 25.000 lượt học sinh tiểu học, THCS đăng ký thành viên và vào thi qua mạng, nhiều em đã được tặng Huy hiệu Violympic của Ban tổ chức. Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức thi cấp tỉnh Giải toán qua Internet dành cho học sinh cấp tiểu học và THCS. Kết quả: Có 185/232 em dự thi đoạt giải, trong đó có 24 giải nhất, 35 giải nhì, 54 giải ba, 72 giải khuyến khích.
Thi học sinh giỏi trung cấp chuyên nghiệp năm 2009 có 110 học sinh của 3 trường tham dự: Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật và Tại chức, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Xây dựng Tam Điệp, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình. Kết quả có 59 thí sinh đoạt giải, chiếm 53,6%, trong đó có 10 giải nhất, 13 giải nhì, 22 giải ba và 14 giải khuyến khích.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, ngành Giáo dục - Đào tạo còn quan tâm, đầu tư đến các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hội thi thể dục thể thao học sinh trung học năm học 2008-2009 có 358 vận động viên thuộc khối THCS và THPT tham dự. Hội thao quốc phòng học sinh THPT có nhiều thành tích cao, kỷ lục mới được xác lập, 50 học sinh đoạt giải. Kết quả của hội thao là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả chỉ đạo, quản lý và dạy học môn học Giáo dục quốc phòng, an ninh của các trường THPT.
Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" cấp tỉnh học sinh THPT lần thứ VII là hoạt động văn hóa của tuổi trẻ học đường, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Bên cạnh đó, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội thi văn nghệ phòng, chống ma túy trong trường học tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất - năm 2008 nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy trong học đường. Ngoài ra, tỉnh ta còn tham dự giao lưu học sinh giỏi các trường chuyên khu vực Duyên Hải Bắc bộ. Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy có 60 học sinh dự thi 10 môn các khối 10 và khối 11. Toàn đoàn xếp thứ tư trong số 8 tỉnh dự thi.
Có được thành tích đó là kết quả của nhiều yếu tố, đó là sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, lãnh đạo các nhà trường, sự nỗ lực phấn đấu của các em học sinh và sự chăm lo, đầu tư của gia đình. Trong đó có sự dày công tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo, tổ chức dạy và học, ôn luyện, tập huấn công phu của các thầy, cô giáo trên các lĩnh vực, đồng thời cũng là kết quả của sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở Giáo dục - Đào tạo, các phòng Giáo dục và Ban giám hiệu các nhà trường. Đó là những giáo viên giỏi, say mê với nghề nghiệp; những cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, ngày đêm trăn trở, miệt mài với công việc đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của toàn ngành.
Để định hướng cho những năm học tới, cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ phong trào thi đua - phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên giỏi các kỳ thi và hội thi. Vấn đề tiên quyết và quan trọng hàng đầu đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền trong việc quán triệt các nghị quyết của Đảng, từ đó đề ra các chủ trương và giải pháp đúng đắn về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chế độ, chính sách với giáo viên, học sinh trong trường học ở mỗi địa phương. Vấn đề thứ hai là nhà trường và các thầy, cô giáo phải sớm phát hiện và lựa chọn một cách khách quan, chính xác những học sinh có năng lực, trí tuệ, năng khiếu, trên cơ sở đó để bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và toàn diện cho từng em.
Kết quả các kỳ thi và hội thi trong những năm qua đã chứng minh rằng: Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, tâm huyết với nghề. Vì vậy, các thầy, cô giáo cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ nhiều hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, tự học, tự bồi dưỡng vươn lên không ngừng, tìm ra những phương pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới. Vấn đề thứ ba là sự cố gắng nỗ lực của mỗi học sinh, của gia đình học sinh, của công tác khuyến học, khuyến tài từ tỉnh đến các địa phương. Ngành Giáo dục - Đào tạo rất mong có được sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo ra môi trường giáo dục thực sự lành mạnh để giáo dục và rèn luyện các em trở thành những con ngoan, trò giỏi, những công dân có ích cho xã hội.
Thành tích ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà đạt được trong những năm qua nói chung và năm học này nói riêng đã khẳng định sự phát triển không ngừng của chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện nói chung. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và cũng chỉ mới dừng ở giải Quốc gia, việc vươn lên đạt giải khu vực và quốc tế chưa nhiều. Trên chặng đường đi tới, chúng ta phải tiếp tục phấn đấu vươn lên nhiều hơn nữa để giữ vững kết quả đã đạt được và từng bước đưa phong trào phát triển lên một tầm cao mới, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu về giáo dục - đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Lê Văn Dung
(Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình)