Hiện trên địa bàn tỉnh, cùng với Trường Đại học Hoa Lư, tỉnh có 44 trung tâm nghề, cơ sở dạy nghề, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp, 4 trường cao đẳng nghề. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo từng bước được đầu tư nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên các cơ sở đào tạo từng bước được kiện toàn, tuyển dụng bổ sung đầy đủ ở các bộ môn, các ngành học. Các cơ sở đào tạo đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thi cử, đánh giá học sinh, sinh viên, mở thêm các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu người học, nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hiện nay, về lực lượng lao động trong bộ máy quản lý Nhà nước có trình độ đào tạo từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 67,38%. Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo lý luận theo tiêu chuẩn. Ninh Bình đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2012/NQ-HĐND ngày 20-12-2012 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích tài năng, thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh. Công chức được thu hút cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều người được kết nạp Đảng, được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo và dự kiến tạo nguồn cho những năm tiếp theo; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 36% lên 40% trong giai đoạn 2011- 2015. Tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng so với thực tế, lực lượng lao động chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của ngành sản xuất chủ yếu của tỉnh. Người lao động vẫn còn thiếu những kỹ năng cần thiết như: ngoại ngữ, kỹ năng mềm công nghệ thông tin, bán hàng, chăm sóc khách hàng…Đối với các cơ sở đào tạo trong tỉnh, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, một số ngành nghề đào tạo mà nhu cầu xã hội đang cần như: quản trị du lịch, quản trị khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng, quản lý đô thị…vẫn còn thiếu trong chương trình đào tạo…
Trong chiến lược phát triển bền vững, tỉnh luôn quan tâm phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng nguồn nhân lực, việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển các yếu tố nội lực và phát huy vai trò của nhiệm vụ hợp tác phát triển. Trong nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp về hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực được tỉnh chú trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học quốc gia Hà Nội để bàn và thống nhất về phương án, cách thức, nội dung hợp tác, liên kết. Theo đó, các lĩnh vực được tỉnh chú trọng là hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các nội dung: đào tạo các kỹ năng sử dụng tiếng Anh, thực hành tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỹ năng giao tiếp, tổng hợp, phân tích tình huống; chương trình đào tạo cao học và sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp hành chính với một số chuyên ngành: khoa học quản lý, chính sách công, chuyên ngành văn hóa, du lịch, tài nguyên, môi trường, công nghệ thông tin; các chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức về đổi mới công nghệ…Với các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tin tưởng rằng thời gian tới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ góp phần đắc lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bùi Diệu