Thực hiện các quyết định của Trung ương, những năm qua các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Các Trung tâm đã bám sát nội dung, chương trình, thời gian, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương quy định để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Công tác tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các Trung tâm cơ bản nền nếp, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Một số Trung tâm đã thực hiện tốt việc bổ sung, cập nhật kiến thức mới và tình hình địa phương vào nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm, tổ chức tốt việc tham quan thực tế, trao đổi, thảo luận. Công tác quản lý học viên được tiến hành chặt chẽ. Tính từ năm 2015 đến hết 6 tháng năm 2017, các Trung tâm đã tổ chức được 755 lớp với 73.453 lượt học viên gồm các lớp: Bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, sơ cấp lý luận chính trị và các lớp bồi dưỡng khác. Một số Trung tâm đã mở lớp đối tượng kết nạp Đảng cho các đối tượng là tân binh chuẩn bị lên đường nhập ngũ, học sinh THPT, quần chúng ưu tú là người có đạo, các tăng ni, phật tử…
Ngoài thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao, các Trung tâm đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên đang công tác trên địa bàn với số lượng 70 học viên/lớp, mỗi tháng học 10 ngày tại Trung tâm, giảng viên của Trường Chính trị về giảng dạy. Bên cạnh đó, các Trung tâm còn phối hợp tổ chức các hội nghị báo cáo viên, các lớp cập nhật kiến thức. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, học viên đã cơ bản tiếp thu được những kiến thức cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, hiểu và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong nhiều giải pháp được đưa ra bàn thảo để nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, có giải pháp quan trọng xuất phát từ chính các Trung tâm cần quan tâm thực hiện, đó là cần đổi mới công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các Trung tâm thông qua việc thực hiện tốt các nội dung: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh công tác tuyển chọn, xét duyệt các đối tượng đi học các lớp bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, yêu cầu công tác cán bộ, xây dựng Đảng; đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng bài giảng…
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể đồng bộ cho nhiệm kỳ, từng năm để chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm. Trong đó, cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, sắp xếp, bố trí con người, đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của Trung tâm đảm bảo chuẩn mực, văn minh, hiện đại. Đồng thời, để khắc phục tình trạng giảng viên kiêm chức còn ít, Thường trực, Thường vụ, lãnh đạo HĐND, UBND, cấp ủy cần bố trí thời gian, trực tiếp tham gia làm giảng viên các chuyên đề về tình hình thực tế địa phương cho các lớp bồi dưỡng, nhất là các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới…
Lý Nhân