Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các nhà trường, sự nghiệp Giáo dục tỉnh nhà đã không ngừng phát triển và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nổi bật là quy mô trường lớp các cấp học tiếp tục được duy trì, ổn định đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được duy trì, củng cố và phát triển. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ học sinh có học lực yếu giảm, học lực khá, giỏi tăng đáng kể ở tất cả các cấp học; kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đứng ở tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, đặc biệt kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, Ninh Bình xếp thứ 2/63 tỉnh, thành toàn quốc có điểm bình quân 3 môn thi cao, có 6 trường THPT lọt vào tốp 200 (trong đó có 3 trường ở tốp 100).
Cơ sở vật chất được tăng cường, nhiều trường học khang trang, sạch đẹp, từng bước đáp ứng được yêu cầu dạy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 84%. Trong năm học 2013-2014 có thêm 21 trường học được kiểm tra công nhận đạt chuẩn Quốc gia các mức độ, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 352/469 trường, đạt tỷ lệ 75%; toàn tỉnh có 65 xã, phường, thị trấn cả 3 cấp học đạt chuẩn Quốc gia.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu năm học, chất lượng và trình độ đào tạo không ngừng nâng cao. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,6%, trên chuẩn chiếm 60%; có trên 58% cán bộ, giáo viên là đảng viên. Phong trào thi đua yêu nước, nhân điển hình tiên tiến trong ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác quản lý giáo dục được đổi mới, tăng quyền chủ động cho cơ sở. Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học đều được ngành tham mưu kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Với những kết quả trên, năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT Ninh Bình được các sở, ban, ngành trong khối thi đua Văn xã suy tôn đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Nhận thức rõ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi giữ vị trí quan trọng và là một trong ba mục tiêu hàng đầu của giáo dục: "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các nhà trường, các địa phương đã quan tâm đến việc phát hiện và bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi.
Năm học 2013- 2014, phát huy những thành tích đạt được từ các năm học trước, toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục mũi nhọn được quan tâm đẩy mạnh thông qua nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với mỗi đơn vị, nhà trường, do đó, đã có bước phát triển rất khả quan, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Qua các kỳ thi cấp toàn quốc trong năm học 2013-2014, học sinh của ngành GD&ĐT Ninh Bình đã giành được 39 giải học sinh giỏi Quốc gia lớp 12; 29 giải học sinh giỏi giải toán trên máy tính Casio, Vinacal cấp Quốc gia; 4 giải tại kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học; 58 giải thi giải toán qua Internet, 67 giải thi Tiếng Anh qua Internet toàn quốc…
Bên cạnh đó, hàng nghìn học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều giải thưởng, giấy khen tại các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao cấp tỉnh. Đặc biệt, học sinh Hoàng Phương Anh, lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic Châu á Thái Bình Dương vào ngày 15-17-5-2014 tại Singapore. Sau 4 năm (kể từ năm 2010), Ninh Bình lại có học sinh tham dự kỳ thi Olympic cấp châu lục và quốc tế.
Nhiều kì thi cấp quốc gia, đội tuyển tỉnh nhà đạt thành tích và thứ hạng cao như kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính Casio và Vinacal cấp Quốc gia tổ chức tại Hà Tĩnh, thi giải Toán qua Internet toàn quốc …Ngoài các kỳ thi quốc gia truyền thống, năm học 2013-2014, học sinh Ninh Bình còn tích cực tham gia và giành được kết quả tốt tại các kỳ thi như: Olimpic Toán tuổi thơ, Olimpic tài năng tiếng Anh, giao lưu an toàn giao thông cấp tiểu học, giao lưu học sinh tiểu học nói giỏi tiếng Anh…
Đây là các hoạt động nhằm tạo không khí thi đua học tập sôi nổi trong các nhà trường, là "sân chơi" bổ ích, lý thú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi năm nay tiếp tục khẳng định mặt bằng chất lượng ổn định, vững chắc, tiếp tục khẳng định vị thế của GD&ĐT Ninh Bình trong khu vực và cả nước.
Những thành tích đạt được trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2013- 2014 là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, phấn đấu của các em học sinh và sự chăm lo, đầu tư của gia đình, xã hội. Trong đó, có sự dày công tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo, tổ chức dạy và học, ôn luyện, tập huấn công phu của thầy giáo, cô giáo, đồng thời cũng là kết quả của sự quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp quản lý giáo dục và các nhà trường.
Thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành GD&ĐT trong năm qua là rất đáng phấn khởi, song cũng cần thẳng thắn thừa nhận, so với mục tiêu phấn đấu, chúng ta còn phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa mới đáp ứng được sự quan tâm, mong đợi của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, trong các năm học tiếp theo, toàn ngành tập trung thực hiện một số giải pháp:
Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Kế hoạch hành động số 92-KH/TU ngày 13-1-2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư; Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 24-3-2014 của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch hành động số 92-KH/TU của Tỉnh ủy, từ đó đề ra các chủ trương và giải pháp đúng đắn cho sự phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo nói chung, công tác bồi dưỡng nhân tài nói riêng.
Trọng tâm là tham mưu để có được sự quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; chú trọng xây dựng chế độ, chính sách với giáo viên, học sinh, trong đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ, khuyến khích giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Quan tâm đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy ngang tầm với các trường THPT chuyên trong khu vực.
Tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh có chính sách ưu tiên, đãi ngộ, thu hút trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi. Đội ngũ thầy giáo, cô giáo bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh hiện nay còn thiếu về số lượng và cần được đầu tư hơn về chất lượng cho ngang tầm với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Ngành GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách ưu tiên tuyển dụng sinh viên giỏi tốt nghiệp các lớp tài năng, sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm Hà Nội mà trước đây là học sinh trường chuyên hoặc đã từng đạt giải trong các kỳ thi Quốc gia, Quốc tế về công tác tại tỉnh nhà. Cử những giáo viên trẻ, có năng lực đi đào tạo các lớp cao học, nghiên cứu sinh để làm lực lượng nòng cốt; tăng cường tổ chức giao lưu, học hỏi các tỉnh, thành phố có bề dày thành tích về bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức hội nghị, hội thảo, tạo cơ hội cho đội ngũ giáo viên được tiếp xúc, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia của các học viện, trường đại học.
Tập trung đổi mới phương pháp phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi ở tất cả các cấp học. Thực hiện nhiều giải pháp để phát hiện, tuyển chọn và thu hút học sinh giỏi trong toàn tỉnh vào học tại trường THPT chuyên của tỉnh. Tập trung chỉ đạo để mỗi cấp học, mỗi huyện, thành phố, thị xã đều đầu tư xây dựng được các trường trọng điểm chất lượng cao có đủ cơ sở vật chất theo chuẩn quy định, có đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nghề. Trường trọng điểm chất lượng cao sẽ là nơi phát hiện, bước đầu bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trên cơ sở phát triển toàn diện nhân cách, trí tuệ, thể lực cho học sinh, là mô hình tương lai của các nhà trường trong từng cấp học.
Tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào trường chuyên theo hướng phát hiện sớm những học sinh có năng lực, năng khiếu để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Chủ động phối hợp với Hội khuyến học và các tổ chức xã hội, phát huy mọi tiềm năng, tạo sự hưởng ứng và đồng thuận của xã hội, gia đình cùng ngành GD&ĐT chăm lo công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Tin tưởng trong một tương lai không xa, giáo dục mũi nhọn Ninh Bình sẽ có vị trí xứng đáng trong khu vực và cả nước.
Vũ Văn Kiểm
(Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo)