Chương trình GDPT 2018 ở cấp Tiểu học yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, nhưng với áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao khiến các trường Tiểu học gặp khó khăn về bố trí học sinh/lớp và cơ sở vật chất chưa đồng bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thiếu...
Thầy giáo Ngô Đức Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Long (huyện Nho Quan) cho biết: Khó khăn của nhà trường trong thực hiện Chương trình GDPT đó là hiện tại biên chế giáo viên/lớp của trường mới đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp, mà yêu cầu đạt là 1,5 giáo viên/lớp; giáo viên môn chuyên thiếu 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng mức độ cơ bản như thiết bị ngoài trời, sân chơi, bãi tập.
Khắc phục khó khăn đó, nhà trường chọn giải pháp tháo gỡ từ chính thực tế đội ngũ hiện có; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác xã hội hóa bổ sung cơ sở vật chất...
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Đức Long có 536 học sinh/15 lớp, trong đó có trên 300 học sinh lớp 1, 2, 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018. Kết quả sau 2 năm triển khai Chương trình, chất lượng giáo dục nhà trường đảm bảo; học sinh được tăng cường kỹ năng sống, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi tại các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh và có 4 học sinh đạt giải quốc gia.
Tình trạng khó bố trí thời khóa biểu phù hợp, logic của Chương trình của các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là thực trạng đang diễn ra trong các nhà trường. Thầy giáo Đào Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Phương (huyện Gia Viễn) cho biết: Khó khăn của nhà trường trong triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên là bố trí thời khóa biểu cho bộ môn do chưa có giáo viên bộ môn đó mà nếu dạy song song sẽ rời rạc, không có mạch kiến thức. Trước khi triển khai dạy học, nhà trường đã nghiên cứu kỹ các văn bản, rà soát nhân sự, sắp xếp công việc, ưu tiên giáo viên môn Sinh học, Vật lý, Hóa học không phải làm nhiều nhiệm vụ khác để thầy cô đảm nhiệm công việc; cố gắng bố trí được thời khóa biểu hợp lý, thực hiện chương trình đúng tiến độ và cả 4 khối 6, 7, 8, 9 đều không bị đẩy tiết.
Nhà trường triển khai chương trình theo hướng dạy tuần tự theo sách giáo khoa, đảm bảo logic chương trình theo các phần bài học trong sách cũng như phân phối chương trình, đảm bảo 140 tiết/năm của môn Khoa học tự nhiên. Cùng với đó là tinh thần sẵn sàng thay đổi, học hỏi nâng cao nghiệp vụ của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá tác động khi triển khai thực hiện nhằm đáp ứng Chương trình.
Theo nhiều trường, khó khăn trong triển khai Chương trình GDPT 2018 còn do chương trình giáo dục, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và công tác tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, thiết bị dạy học chưa hài hòa, đồng bộ.
Đồng chí Lê Thị Duyên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Mô cho biết: Khi triển khai thực hiện Chương trình, huyện Yên Mô còn có những khó khăn, bất cập. Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường thời gian qua đã được các địa phương quan tâm đầu tư theo chương trình mục tiêu xây dựng NTM, xây dựng chuẩn quốc gia các mức độ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo các Thông tư 13, 14 của Bộ GD&ĐT.
Đội ngũ giáo viên chưa thực sự đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu bộ môn và chất lượng chuyên môn đào tạo so với yêu cầu thực tế. Chương trình giáo dục, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và công tác tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, thiết bị dạy học chưa hài hòa, đồng bộ.
Trước thực tế đó, ngành Giáo dục huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các nhà trường từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư cơ sở vật chất như: bổ sung quy hoạch, mở rộng khuôn viên các nhà trường; chuyển các điểm trường không đủ diện tích, xuống cấp đến các điểm hợp lí và có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn. Huy động nhiều nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, lấy mục tiêu xây dựng sớm nhất tiêu chí giáo dục, tiêu chí trường học trong chương trình NTM của huyện...
Đối với khó khăn về vấn đề đội ngũ, ngành Giáo dục huyện đã tham mưu cho UBND huyện điều chỉnh biên chế trường lớp, giáo viên phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu học tập của con, em trong huyện. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ giáo viên hợp đồng dạy các lớp Tiểu học hiện đang thiếu giáo viên (hiên mới đạt 1,35 giáo viên/lớp). Tham mưu cho UBND huyện bố trí giáo viên dạy liên trường đối với các môn Mĩ thuật, Âm nhạc, tiếng Anh. Xây dựng nền tảng công nghệ số trong quản lí, chỉ đạo; ứng dụng CNTT hiệu quả trong giảng dạy; khai thác tốt trang thiết bị hiện có, từng bước mua bổ sung thiết bị cho các khối lớp đổi mới chương trình, đảm bảo đồng bộ và chất lượng…
Để giải quyết những khó khăn trong triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí các nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu và xây dựng kế hoạch đầu tư, đáp ứng yêu cầu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Năm 2021, tỉnh đã bố trí dự toán kinh phí 89.822,2 triệu đồng để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 (trong đó ngân sách tỉnh 60.000 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 29.822,2 triệu đồng). Năm 2022, UBND tỉnh đã bố trí dự toán kinh phí 78.700 triệu đồng để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7, lớp 10. Đến nay, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018, ưu tiên bồi dưỡng với đội ngũ dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10. Rà soát đội ngũ giáo viên, điều động, bố trí hợp lý theo biên chế được giao, đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp và chủng loại giáo viên, nhân viên đúng quy định; khắc phục tình trạng mất cân đối, không đồng bộ về cơ cấu, chủng loại giáo viên ở cấp THCS. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo trở lên đạt 93,7%, trong đó trên chuẩn là 33%.
Bài, ảnh: Hồng Vân