Từ nhiều năm nay, trường Tiểu học Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) đã quan tâm chỉ đạo các lớp thực hiện tốt việc triển khai nội dung, chương trình giáo dục 2 buổi/ngày để đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh. Trong đó, đối với những tiết tự học, yêu cầu giáo viên đứng lớp có trách nhiệm hướng dẫn học sinh hoàn thành bài trên lớp. Đối với bài giao về nhà, giáo viên cũng giao ít bài để các em có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Từ 2 năm học trở lại đây, giáo viên không thực hiện giao bài về nhà cho học sinh nên các em học sinh không phải vất vả với bài tập khi về nhà. Chính từ việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung, chương trình giáo dục 2 buổi/ngày nên không có tình trạng dạy thêm, học thêm.
Là trường nói không với dạy thêm, học thêm, trường Tiểu học Kim Đông (Kim Sơn) càng quan tâm sát sao đến chương trình dạy học 2 buổi/ngày. Theo thầy giáo Lê Hữu ái, Hiệu trưởng nhà trường: Trường có 463 học sinh với 16 lớp, trung bình 28- 30 học sinh/lớp nên việc kèm cặp, hướng dẫn học sinh học tập, ôn luyện kiến thức của giáo viên hàng ngày diễn ra thuận lợi. Do cha mẹ học sinh còn mải mưu sinh hàng ngày, điều kiện kinh tế khó khăn, lại xa trung tâm huyện nên việc vận động học sinh tham gia học 2 buổi/ngày cũng là nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo. Năm học này, nhà trường có hơn 80% học sinh tham gia học buổi 2 nên trong nội dung dạy học cũng được nhà trường và các giáo viên điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng. Chấp hành nghiêm túc Thông tư số 30 ngày 28-8-2014 của Bộ Giáo dục- đào tạo "Quy định về đánh giá học sinh tiểu học", Chỉ thị số 5105 ngày 3-11-2014 của Bộ Giáo dục- Đào tạo về việc "Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học", nhà trường chú trọng triển khai đầy đủ các nội dung của chương trình dạy học, nêu cao trách nhiệm của giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức, hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung, bài tập trên lớp.
Trao đổi với đồng chí Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục- Đào tạo được biết thêm: Đối với giáo dục tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày thì không có việc dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Bên cạnh đó, quy định mới về việc không chấm điểm học sinh, không giao bài tập về nhà...nhằm tạo mục đích để học sinh tiểu học được phát triển bình thường, không phải chịu áp lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các trường tiểu học trong tỉnh chấp hành tốt việc không để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm, nhưng đó chỉ là các trường tiểu học ở khu vực nông thôn, miền núi. Còn đối với các trường thuộc khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, tình trạng này vẫn diễn ra. Mặc dù từ năm 2012 Bộ Giáo dục- Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm và gần đây nhất là Chỉ thị số 5105 ngày 3- 11- 2014 về việc "Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học", nhưng tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn chưa được một bộ phận giáo viên ở một số đơn vị trên địa bàn thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Hoa Lư…chấp hành nghiêm túc. Việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại đều từ hai phía. Nhu cầu của một bộ phận cha mẹ học sinh luôn mong muốn con em mình có thêm kiến thức, được nâng cao, mở rộng kiến thức, muốn con mình học giỏi hơn… Ngay khi Thông tư số 30 về việc đánh giá học sinh tiểu học được ban hành, qua tìm hiểu từ các bậc phụ huynh có con em đang học tiểu học cho thấy phần lớn phụ huynh đều mong muốn con em được học tập bình thường, phù hợp với lứa tuổi, không phải chịu áp lực từ điểm số, bài tập về nhà, về thành tích tại các kỳ thi… và đương nhiên sẽ không phải học thêm. Về phía giáo viên, cũng từ "kênh" thông tin phản ánh của phụ huynh, nhiều thầy, cô giáo đã chấp hành tốt quy định không dạy thêm, học thêm. Đối với các trường tiểu học, cùng với việc phổ biến đầy đủ nội dung của Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, các trường còn quan tâm nắm bắt tình hình, nhắc nhở giáo viên, tiến hành kiểm tra việc dạy thêm, học thêm…Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn còn số ít giáo viên một số trường tiểu học chưa chấp hành nghiêm quy định, vẫn tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà. Vấn đề này, theo đồng chí Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học: Để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm, phải tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh và cộng đồng, đội ngũ giáo viên chấp hành tốt Chỉ thị 5105 của Bộ Giáo dục- Đào tạo về việc "Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học"; Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương nơi cư trú của giáo viên để thanh, kiểm tra, giải quyết, từng bước chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn...
Phan hiếu