PV: Xin ông đánh giá khái quát các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ HTSĐ năm 2017 và ý nghĩa mà Tuần lễ mang lại?
Ông Lê Văn Toại: Hàng năm, hưởng ứng Tuần lễ, tất cả các cấp học, bậc học, các Trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục thường xuyên đều hưởng ứng Tuần lễ HTSĐ bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Theo đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn nội dung các hoạt động diễn ra trong Tuần lễ HTSĐ cho phù hợp, theo gợi ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2017 được Bộ GD&ĐT phát động với chủ đề: "Học tập để hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân" và "Học tập của người lớn làm cho tài nguyên con người được tái tạo và phát triển".
Nhân Tuần lễ HTSĐ, ngành GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp tục đầu tư xây dựng thư viện ở các nhà trường, cộng đồng; tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và mọi người dân được đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc. Đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường bằng các giải pháp như: Luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp, giúp việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; khuyến khích học sinh đọc sách, xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện… Đồng thời tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động cụ thể như: Thi giới thiệu sách hay, thi thiết kế Trailer sách, tạo Fanpage giới thiệu sách, thi viết bài về tác dụng của việc đọc sách, thi kể chuyện, dựng phim, hoạt động sân khấu... dựa theo sách đã đọc.
Qua việc tổ chức Tuần lễ đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời là dịp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, trước hết là thư viện trường học; đa dạng hóa nguồn tài nguyên sách và hình thức đọc sách. Đặc biệt, việc người lớn tham gia học tập có ý nghĩa và vai trò quan trọng, bởi đó là "nguồn tài nguyên" quý báu cần được thường xuyên trau dồi, tái tạo và phát triển thêm.
PV: Theo ông, qua Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ đã tác động và góp phần đẩy mạnh phong trào học tập trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng và xây dựng XHHT như thế nào?
Ông Lê Văn Toại: Là lực lượng nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình đã không ngừng khuyến khích, hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường cũng như hoạt động khuyến học ngoài nhà trường. Hội đã làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, góp ý với ngành Giáo dục về các chủ trương, chính sách, biện pháp để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện gắn kết giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội; vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp... nhằm từng bước hình thành XHHT. Bên cạnh đó, Hội phát huy mạnh mẽ vai trò liên kết, phối hợp hoạt động giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, đưa phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu và chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng XHHT.
Với nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng, xã hội học tập, đặc biệt, Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực. Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, nhất là việc nghiên cứu học tập tiêu chí các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã nhận thức đầy đủ hơn về học tập suốt đời và trách nhiệm tham gia xây dựng XHHT ở địa phương. Năm 2017, số gia đình được công nhận là 162,566, đạt 59,55%; số dòng họ được công nhận là 1.263, đạt tỷ lệ 50,14%; số cộng đồng được công nhận là 1.299, đạt 75,57%; số đơn vị thuộc cấp xã quản lý được công nhận là 599, đạt tỷ lệ 82,96 %. Bước đầu người dân hình thành thói quen đăng ký nội dung học tập, hình thức học tập cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình, đem lại hiệu quả học tập cụ thể, thiết thực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, đơn vị.
PV: Thưa ông, năm nay Tuần lễ HTSĐ được gợi ý với nhiều chủ đề, ông có thể khái quát về nội dung, cách thức tổ chức các hoạt động diễn ra trong Tuần lễ năm 2018?
Ông Lê Văn Toại: Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ là hoạt động hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư về HTSĐ và xây dựng XHHT, nhận thức được ý nghĩa và tính cấp thiết của việc cập nhật, tiếp thu, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội nhằm phát triển văn hóa, tăng năng suất lao động, tăng trường kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2018 có nhiều chủ đề: "Trong cách học phải lấy tự học làm cốt" (Hồ Chí Minh); "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân" (Hồ Chí Minh); "Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở"; "Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn". Tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến hết ngày 7/10/2018.
Để tổ chức Tuần lễ HTSĐ 2018 đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các phòng GD&ĐT huyện, thành phố; các trường THPT; các Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX tỉnh; các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ. Theo đó lựa chọn một trong số các chủ đề của Tuần lễ để thực hiện, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, tổ chức các sự kiện, hoạt động, giao lưu, các cuộc thi, buổi tọa đàm về khuyến đọc, khuyến học và xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường, khuyến khích giáo viên mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Tuần lễ rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Việc tổ chức "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" hàng năm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mọi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, người dân, nhất là học sinh, sinh viên đứng trước rất nhiều sự lựa chọn khai thác các tài nguyên tri thức, do vậy, văn hóa đọc cần được coi trọng và như một nguồn tài nguyên cần khai thác hiệu quả, ý nghĩa nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh