Hàng năm, hưởng ứng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các Trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục thường xuyên đã hưởng ứng Tuần lễ bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Theo đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn nội dung các hoạt động diễn ra trong Tuần lễ học tập suốt đời cho phù hợp theo gợi ý một số hoạt động của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tuần lễ học tập suốt đời năm 2016 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động với chủ đề "Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số", Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc thi "Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số" nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời là dịp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, trước hết là thư viện trường học; đa dạng hóa nguồn tài nguyên sách và hình thức đọc sách.
Cuộc thi được phát động trong 1 tuần đã thu hút hàng nghìn học sinh, thầy, cô giáo và học viên tham gia, lựa chọn được 363 sản phẩm tiêu biểu tham dự xét thưởng. Trong đó, bậc Tiểu học có 102 sản phẩm, THCS có 194 sản phẩm, THPT có 64 sản phẩm và giáo dục thường xuyên có 3 sản phẩm.
Các bài dự thi rất đa dạng về nội dung và hình thức, trong số 363 sản phẩm tiêu biểu tham dự xét trao thưởng có 33 sản phẩm về "Thiết kế Trailer sách", 19 sản phẩm "Tạo Fanpage giới thiệu sách" và có 311 sản phẩm là bài viết về "Trưởng thành cùng sách". Kết quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn được 48 sản phẩm đạt giải, trong đó có 4 giải nhất, 9 giải nhì, 12 giải ba và 23 giải khuyến khích.
Cùng với phát động cuộc thi "Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số", ngành Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp tục đầu tư xây dựng thư viện ở các nhà trường, cộng đồng; tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và mọi người dân được đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường bằng các giải pháp như: Luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp nhằm giúp cho việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn, giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách, khuyến khích học sinh đọc sách, xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện…
Đồng thời tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm với nhiều hoạt động cụ thể như: Thi giới thiệu sách hay, thi thiết kế Trailer sách, tạo Fanpage giới thiệu sách, thi viết bài về tác dụng của việc đọc sách, thi kể chuyện, dựng phim, hoạt động sân khấu,... dựa theo sách đã đọc nhằm nâng cao ý thức đọc sách, tự nguyện học tập trong mọi tầng lớp nhân dân.
Với nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng, xã hội học tập, năm 2016, số gia đình được công nhận gia đình học tập là 138.702 gia đình, đạt 66,8% so với số gia đình đăng ký gia đình học tập, đạt 50,5% so với tổng số gia đình toàn tỉnh. Số dòng họ được công nhận là 1.134, đạt 56,7% so với số dòng họ đăng ký dòng họ học tập, đạt 46% so với số lượng dòng họ toàn tỉnh. Số cộng đồng được công nhận là cộng đồng học tập 1.013, đạt 67% so với số cộng đồng đăng ký cộng đồng học tập, đạt 59,7% so với số lượng cộng đồng toàn tỉnh.
Số đơn vị thuộc cấp xã quản lý được công nhận là đơn vị học tập 538, đạt 75,3% so với số đơn vị đăng ký đơn vị học tập, đạt 82,67% so với số lượng đơn vị cấp xã quản lý toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 6/2017, số gia đình đăng ký gia đình học tập là 206.438; số dòng họ đăng ký dòng họ học tập là 1.981; số cộng đồng đăng ký cộng đồng học tập là 1.502; số đơn vị đăng ký đơn vị học tập là 651.
Năm 2017, các hoạt động trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tập trung vào chủ đề: "Học tập để hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân" và "Học tập của người lớn làm cho tài nguyên con người được tái tạo và phát triển". Theo đó, các cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị, các cơ sở giáo dục tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời năm 2017 với hình thức, nội dung phù hợp, tạo không khí tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, giáo viên và học sinh.
Đối với các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT phát động các cuộc thi trưởng thành cùng sách để các em tự lập ra mục tiêu kế hoạch đọc của mình; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cộng đồng/CLB đọc sách online bằng cách tạo các trang Facebook hay Blogs của thư viện nhà trường để học sinh và giáo viên trao đổi về những cuốn sách hay; tổ chức các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện…
Đối với Trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức khai mạc Tuần lễ kết hợp với khai giảng các lớp học giúp người dân được cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Cùng với đó tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng, tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng như đọc sách giấy, sách điện tử… phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau nhằm thu hút và hình thành thói quen tham gia và sử dụng thư viện cho người dân…
Bên cạnh các hoạt động bề nổi như đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin, truyền thông về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Tuần lễ, đặc biệt chú trọng vào các nội dung tuyên truyền, giới thiệu về các hoạt động diễn ra trong Tuần lễ; có sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, mọi người dân trong quá trình xây dựng phong trào với những phương pháp tổ chức, triển khai phù hợp với từng địa phương, từng nhà trường.
Tiếp tục phát động rộng rãi phong trào quyên góp sách và phát triển thư viện nhà trường. Đồng thời rà soát, củng cố, đầu tư xây dựng thư viện ở các trường học, cơ quan, đơn vị, các khu tập trung dân cư, tăng cường các trang thiết bị về sách, báo, hệ thống máy tính nối mạng Internet..., tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại.
Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng gia đình, quê hương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Hạnh Chi