Tấm huân chương trong hầm tối
Chúng tôi gặp ông ở đại bản doanh Hội Cựu chiến Binh huyện Nho Quan khi ông vừa kết thúc hành trình đến thăm nhà đồng đội và được nghe ông kể những câu chuyện đời lính của mình.
Cùng với hàng nghìn thanh niên địa phương xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, tháng 10 năm 1953 ông Quán hăng hái viết đơn tình nguyện để lên đường tòng quân. Sau ba tháng rèn luyện tân binh tại Thanh Hóa, ông được điều động vào Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 có nhiệm vụ hành quân lên Điện Biên Phủ chuẩn bị cho trận đánh lớn. Tiếp đến là những tháng ngày hành quân ròng rã, băng rừng, lội suối, vượt đèo, cơm nắm cả đoàn quân hừng hực khí thế xung trận.
Lần giáp địch đầu tiên của ông và đồng đội chính là trận đánh Mường Thanh lịch sử. Ngay trong trận đánh đầu tiên, người lính trẻ Nguyễn Ngọc Quán đã hiểu thế nào là sự khắc nghiệt của chiến tranh và chiến trường. Tiểu đội ông xông lên có hơn mười người thì lúc về chỉ còn bảy. Đau đớn nhìn đồng đội của mình lần lượt ngã xuống, ông vẫn tiếp tục xông lên quyết chiến với địch, khi được lệnh rút quân, chờ chi viện, ông đã nhanh chóng dìu các đồng chí bị thương về tuyến sau để được quân y chăm sóc.
Câu nói yếu ớt nhưng đầy chí khí của đồng đội: "Bỏ tôi xuống, tiếp tục xông lên đi, đằng nào tôi cũng không thể sống được, đánh thắng địch để trả thù cho chúng tôi…!", vẫn còn văng vẳng bên tai ông cho đến tận hôm nay. Hai hôm sau, khi đang cùng đồng đội án binh trong hầm, ông được chỉ huy đến trao tặng huân chương Chiến công hạng Ba vì đã chiến đấu anh dũng và kịp thời đưa thương binh, liệt sĩ về tuyến sau. Tấm huân chương dành cho ông không chỉ là một sự ghi nhận chiến công ông lập được mà còn là động lực thôi thúc ý chí chiến đấu của người lính trẻ trong những trận đánh tiếp theo.
Trong mạch câu chuyện, tôi thấy ánh mắt của ông sáng lên khi kể về ngày chiến thắng. Thời điểm cả chiến trường như ngày hội, khi quân địch lần lượt ra đầu hàng. "Tôi thấy mình và đồng đội oai phong lắm khi mình thì nhỏ bé, cầm súng áp giải bọn lính Tây đen to khỏe" - ông chia sẻ
Rong ruổi thăm nhà đồng đội
Là một trong những hội viên của Ban liên lạc hội cựu chiến sĩ Điện Biên ở huyện Nho Quan, ông Quán giờ được coi là một trong những người minh mẫn và còn sức khỏe nhất. Chính vì thế ông tự nhận trách nhiệm đến nhà những cựu chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn để "nắm quân số" và thăm hỏi động viên nhau lúc tuổi già. "Ngày trước tuổi đôi mươi, giờ tất cả đầu đã bạc, không gặp nhau bây giờ chắc chẳng còn nhiều dịp nữa, tuổi cao, sức yếu và sẽ vắng bóng dần theo quy luật nghiệt ngã của thời gian. Chính vì thế nên tôi cố gắng khi còn khỏe, còn sức đến thăm mọi người và ôn lại những câu chuyện về chiến tranh, về một thời gian khó. Có những người chẳng gặp nhau ở tuổi thanh niên, mà lại gặp khi đã về già. Mình không có vật chất cho nhau, nên cho nhau tình cảm, gặp gỡ, trò chuyện, hàn huyên trở thành những người bạn tâm giao là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn". Căn nhà nhỏ của ông đôi khi cũng có những người cựu chiến sĩ Điện Biên đến thăm, nhưng những chuyến thăm cứ thưa dần do sức khỏe tuổi già không đảm bảo. Ông trời cho mình sức khỏe nên mình vẫn duy trì được thăm đồng đội, còn khỏe tôi còn đi thăm mọi người, động viên nhau lúc tuổi già.
Qua những chuyến thăm nhà đồng đội, ông đã vận động những hội viên giúp đỡ những gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên có hoàn cảnh khó khăn, với ông đây là hoạt động có ý nghĩa mà ông làm được khi đã về già. Cảm phục trước hành động của người cựu chiến sĩ Điện Biên đã ngoài bát tuần, đồng chí Lê Trung Văn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan chia sẻ: Bác Quán vẫn còn mang trong mình chất lính, khí thế của Điện Biên hào hùng khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Việc làm của bác khiến mọi người rất cảm phục. Ở trong hội, chúng tôi vẫn gọi Bác bằng cái tên thân mật "Người cựu chiến sĩ Điện Biên nhiệt huyết". Bác là tấm gương để chúng tôi và lớp lớp quân nhân sau này học tập và noi theo để phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, dù trong thời bình hay thời chiến, khi còn tại ngũ hay đã về già.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC/QĐND