Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một hướng sản xuất phù hợp và là giải pháp tích cực để thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu vụ mùa 2013, xã Trường Yên đã thực hiện thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 100 ha ở 2 HTX Xuân Sơn và Thắng Thành. Với việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, bước đầu đã giúp người dân giảm công lao động, giải phóng được sức lao động, giảm áp lực lao động mỗi khi vào vụ sản xuất. Đồng thời từng bước hiện thực hóa sự liên kết 4 nhà "Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông", mang lại năng suất cao cho cây trồng, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm xưa cũ của người nông dân.
Trước khi bắt tay thực hiện việc quy hoạch và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đại diện lãnh đạo xã, các tổ chức chính trị, đoàn thể… đã tổ chức đi tham quan, học tập các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số xã của huyện Yên Khánh. Khi xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các HTX hướng dẫn bà con nông dân bồi trúc cải tạo ruộng, phá bỏ các bờ thửa, bờ gió không cần thiết giữa các hộ liền kề; thống nhất đưa một loại giống lúa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất cùng thời điểm, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cùng loại... Hai giống lúa DQ11 và LT2 được các HTX đưa vào gieo cấy. Đây là những giống lúa có tiềm năng, năng suất và chất lượng cao, kháng chịu sâu bệnh tốt.
Chị Đinh Thị Bích, xã viên HTX Thắng Thành cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi là một trong trên 600 hộ xã viên được quy hoạch vào vùng lúa chất lượng cao 40ha của HTX. Gia đình tôi rất ủng hộ và phấn khởi tham gia thực hiện. Trước đó, xã Trường Yên và cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về KHKT, xã viên được hỗ trợ một phần giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu... Thời gian đầu, do ảnh hưởng của một số cơn bão nên phần nào làm giảm sự phát triển của lúa. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ làm nông nghiệp, xã viên đã khắc phục kịp thời bằng cách bón thêm các loại phân bón phù hợp để kích thích lúa sinh trưởng, đẻ nhánh và làm đòng. Đồng thời cùng với cán bộ BVTV thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của sâu bệnh và chuột hại để có biện pháp diệt trừ kịp thời, hiệu quả. Hiện nay lúa đang phát triển rất tốt, đang giai đoạn trỗ bông, phơi màu... Điều đáng mừng hơn là khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, chúng tôi đã giải phóng được phần lớn sức lao động do đưa cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất, hạn chế bị ảnh hưởng của sâu bệnh…
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Vụ mùa 2013, xã Trường Yên có 6 HTX với trên 320 ha diện tích cấy lúa, riêng 2 HXT Xuân Sơn và Thắng Thành đưa vào 106 ha sản xuất cánh đồng mẫu lớn bằng 2 giống lúa DQ11 và LT2. Các HTX đã phát huy vai trò quản lý tổ chức, điều hành và làm các dịch vụ như: làm đất, nước, vật tư nông nghiệp và BVTV… Trong quá trình sản xuất, cơ giới được đưa vào thay thế sức lao động trong nhiều khâu, việc gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh được thực hiện đồng loạt, đúng khung thời vụ … Do đó, cây lúa phát triển đồng đều, kháng sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, hơn 100 ha lúa tại cánh đồng mẫu lớn của 2 HTX đều sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao hơn so với sản xuất đại trà. Quá trình canh tác từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc, bón phân được thực hiện đồng bộ, đúng khung thời vụ. Lúa phát triển rất tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Bà con nông dân ai cũng thực sự phấn khởi với mô hình sản xuất mới này...
Thời gian tới, để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới, Trường Yên tiếp tục vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, giảm số thửa trên hộ, tạo thành những ô thửa lớn, cánh đồng lớn, thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, xã sẽ nhân rộng thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn với quy mô rộng lớn hơn, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa.
Hiện huyện Hoa Lư đang chỉ đạo xã Trường Yên báo cáo kết quả công tác xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chia sẻ kinh nghiệm cho các xã khác trong huyện học tập và nhân rộng mô hình. Đồng thời, vận động bà con nông dân trong huyện tích cực thực hiện dồn điền, đổi thửa, hướng đến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng mẫu lớn liên thôn, từng bước thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của người dân chuyển sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nâng cao thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bài, ảnh: Huy Hoàng