Những năm gần đây, Trường Yên ngày càng đổi mới và trở thành trung tâm du lịch của tỉnh. Trung bình hàng năm có trên một triệu lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Theo thống kê của UBND xã Trường Yên, hiện xã có hàng nghìn người dân tham gia làm dịch vụ du lịch như: chở đò, bán hàng, chụp ảnh, xe ôm..., qua đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Xác định phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu quan trọng thì việc bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, trong đó việc bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch trên địa bàn xã được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân địa phương hiểu rõ về vai trò, giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan, môi trường trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản và tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND xã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo các thôn, xóm, đoàn thể tham gia quản lý, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích, giữ gìn cảnh quan, môi trường, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi xâm hại đến các di tích và cảnh quan, môi trường có liên quan.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn, hàng năm, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định. Từ năm 2010 đến nay đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng 2 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Việc trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện nghiêm túc theo quy định, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích.
Bên cạnh việc quản lý, giữ gìn các di tích, địa phương đã phát huy tốt các giá trị của di tích, tham gia phục vụ và tổ chức 3 lễ hội truyền thống gắn với các nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan đến di tích, đảm bảo nếp sống văn hóa, văn minh trong hoạt động lễ hội, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. UBND xã đã thành lập và duy trì hoạt động của các tổ tự quản dịch vụ phục vụ du lịch. Ban hành nội quy, quy định cho từng loại dịch vụ, ký cam kết, giao ước thi đua thực hiện các nội quy.
Cùng với chính quyền và nhân dân địa phương, các cấp, các ngành đã vào cuộc cùng phối hợp bảo vệ cảnh quan, môi trường di sản trên địa bàn xã, do vậy trong thời gian qua đã không để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác đá hoặc các hành vi xâm hại đến cảnh quan, môi trường. Công tác thu gom rác thải được triển khai thực hiện hiệu quả, các điểm tham quan du lịch đều có thùng rác để tiện cho khách du lịch bỏ rác, không làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan du lịch.
Theo ông Chủ tịch UBND xã Trường Yên, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường trên địa bàn, bên cạnh việc nêu cao ý thức của cán bộ và nhân dân địa phương, xã đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai việc cắm mốc giới phân định vùng lõi, vùng đệm di sản để chính quyền địa phương có cơ sở pháp lý quản lý các hoạt động có liên quan đến bảo vệ Di sản. Đối với Khu di tích lịch sử văn hóa đền Đinh-Lê, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện dự án tách đường dân sinh không đi qua di tích.
Các cấp, các ngành trong tỉnh cần tăng cường phối hợp để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan đến quản lý, bảo vệ Di sản đến từng thôn, xóm để mọi người biết, thực hiện. Bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương và những người có trách nhiệm trông coi, quản lý di tích...
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa và công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường trong khu di sản. Làm tốt công tác đầu tư, trùng tu, tôn tạo di tích, không để tình trạng di tích bị xuống cấp làm ảnh hưởng đến việc bảo quản hiện vật.
Nguyễn Thơm