Chúng tôi về xã Trường Yên vào một ngày đầu tháng 3, khi lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư đang cận kề ngày khai hội. Không khí lễ hội ngập tràn khắp nơi, không chỉ là những trang trí khánh tiết, không khí lễ hội còn len lỏi vào từng nếp nghĩ, từng câu chuyện của mỗi người dân. Các em học trò nhỏ thì phấn đấu dành điểm cao trong đợt kiểm tra giữa kỳ, các cụ già thì thêm sức khỏe, thêm minh mẫn để chỉ bảo con cái…Mỗi người một cách thể hiện song ai cũng muốn làm những việc thiết thực, tượng trưng cho một nén nhang trầm ý nghĩa để thành tâm tỏ lòng tri ân công đức vị Vua có công dẹp loạn 12 sứ quân.
Đối với các dòng họ Dương, họ Giang, họ Nguyễn…thì đây là thời khắc được các dòng họ chọn để tổ chức lễ trao thưởng cho những con em trong họ tộc đạt thành tích cao trong học tập và có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tại buổi trao thưởng của dòng họ Dương, trưởng họ là cụ Dương Xuân Linh đã cùng con cháu ôn lại những trang sử hào hùng của một triều đại. Cụ Linh tâm sự: Tiếp nối những trang vàng lịch sử ấy chính là trọng trách của mỗi người dân nơi đây, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sự đóng góp của tuổi trẻ dòng họ Dương. Những đợt trao thưởng cho con em chính là cơ hội để chúng tôi giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ của dòng họ. Việc này, không chỉ giúp các con, cháu hiểu và ghi nhớ công đức của Vị anh hùng dân tộc mà còn có ý nghĩa tiếp thêm nghị lực, bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc và quan trọng nữa là khơi gợi ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ dòng họ đối với quê hương, cộng đồng.
Xã Trường Yên có 3.700 hộ với 11.700 nhân khẩu. 80% lao động làm nghề dịch vụ, thương mại, còn lại là làm nông nghiệp và đi làm ăn xa lúc nông nhàn. Từ thời xưa, mặc dù đời sống của bà con địa phương còn bộn bề khó khăn. Ai cũng phải bươn chải mải lo kiếm sống, nhưng cứ vào khoảng thời gian tổ chức lễ hội thì ai cũng thu xếp công việc để về dự và mang đến một sản vật do chính tay mình làm ra để lễ Vua. Người dân tham gia dâng hương theo trật tự từng thôn. Mỗi thôn chuẩn bị lễ gồm đĩa xôi, khổ thịt hay con gà. Có thôn thì tỷ mẩn làm đĩa bánh bằng thứ gạo nếp thơm, dẻo để thành tâm cúng Vua, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào. Ngày nay, đời sống của bà con đã khá lên nhiều, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 4%, song những phong tục truyền thống ấy vẫn được gìn giữ như một báu vật.
Ông Nguyễn Thế Vịnh, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết, những năm qua, xã Trường Yên thường xuyên xây dựng các chương trình tuyên truyền một cách dễ hiểu, dễ nhớ qua hệ thống phát thanh của xã nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân địa phương về việc bảo vệ di tích và đóng góp vào thành công của lễ hội được tổ chức hàng năm.
Đặc biệt, để lễ hội diễn ra thành công, vui tươi, lành mạnh thì mỗi khi sắp đến ngày khai hội, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử của lễ hội Cố đô Hoa Lư, UBND xã Trường Yên còn giao nhiệm vụ cho các tổ chức Hội như Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… đẩy mạnh những việc làm sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa để hướng về lễ hội. Theo đó, các tổ chức Hội phân công cán bộ đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền và phát động các phong trào như: vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê… Những phong trào này nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân. Các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm đã góp phần tạo môi trường sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi về trẩy hội. Đối với những người được phân công tham gia trực tiếp lễ hội thì đều tự giác, chủ động và tích cực tập luyện để chuẩn bị các tiết mục, phần việc được giao với ước muốn đóng góp vào thành công của lễ hội.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Trường Yên, do là địa phương có khu di tích, nên xã Trường Yên đã tham gia nhiều nội dung của lễ hội ở cả phần lễ và phần hội. Những nghi lễ quan trọng như: lễ mở cửa đền, lễ rước nước đều được người dân tích cực tham gia và chuẩn bị chu đáo. Để các nội dung của phần lễ diễn ra theo đúng các nghi lễ mỗi mùa lễ hội, xã đã huy động lực lượng học sinh, hội viên các đoàn thể tham gia tập luyện vào đội hình: cầm cờ, cầm rồng, đồ tế khí, khiêng kiệu, đội bát âm… Về phần hội, xã có 4 đoàn thể là Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên được giao tham gia thi chọi gà, đấu cờ người, thi chèo thuyền…Ngoài phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi truyền thống như chọi gà, cờ người, đấu vật… đặc biệt, trong lễ hội có một hội tiết độc đáo, đó là "tập trận cờ lau".
Cùng với việc chuẩn bị chu đáo các nội dung cho lễ hội, xã Trường Yên cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, lực lượng công an xã đã phối hợp với Công an huyện Hoa Lư cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, xã Trường Yên còn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư tăng cường các hoạt động quản lý kinh doanh, dịch vụ bán hàng trong khu vực đền vua Đinh, vua Lê. Hiện, toàn xã có trên 200 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ với đủ các mặt hàng, dịch vụ ăn uống. Để tránh tình trạng tranh giành, lộn xộn, xã đã chuẩn bị phương án bố trí chỗ ngồi, cho các hộ dân bốc thăm vị trí bán hàng, đồng thời phối hợp với ngành du lịch tổ chức các lớp tập huấn về nếp sống văn minh, giao tiếp, ứng xử với du khách cho những hộ, cá nhân tham gia kinh doanh ở xung quanh khu di tích... Với những việc làm thiết thực đó của xã và mỗi người dân Trường Yên, tin rằng lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt.
Nguyễn Hùng