Thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, hơn mười năm qua nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực, mở rộng liên kết đào tạo với các trường Đại học, Cao đẳng uy tín trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh. Năm 1993, lần đầu tiên Trường liên kết đào tạo chuyên ngành Luật và chuyên ngành Kinh tế với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, mỗi chuyên ngành một lớp với 250 học viên. Đến năm 2008, Trường đã liên kết đào tạo với trên 10 trường đại học, cao đẳng, thuộc 18 chuyên ngành- 44 lớp, tổng số học viên gần 3.500 người. Đa số những người được đào tạo đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, họ đã phát huy được những kiến thức, phương pháp nghiên cứu vào lĩnh vực công tác của mình. Những lao động trẻ được tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp, các xã, phường đã có những sáng kiến kinh nghiệm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau các khóa đào tạo, uy tín của Trường và các trường đại học, cao đẳng liên kết được nâng lên, do đó số người đăng ký dự thi vào học tại trường đã tăng dần qua các năm. Đạt được kết quả trên là do Trường đã đề ra các biện pháp quản lý chương trình liên kết đào tạo một cách hợp lý, khoa học, như: Tổ chức tốt việc xây dựng kế hoạch mở các chuyên ngành và hình thức đào tạo cho từng năm, từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu thực tế ở địa phương cũng như nhu cầu và khả năng của người học. Cụ thể, những năm đầu tái lập tỉnh, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Trường đã tập trung đào tạo đối tượng đương chức và tạo nguồn. Nhưng đến nay, để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế thị trường, công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có việc nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ khối phường, xã và đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Trường đã liên kết với các trường đại học mở các chuyên ngành phù hợp, đáp ứng nhu cầu học của các đối tượng trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, trường đã tổ chức quản lý tốt hoạt động học tập của học viên: Giáo dục cho người học ý thức học tập chuyên cần và xây dựng động cơ học tập đúng đắn, tránh tình trạng thi thay, học hộ. Hoạt động kiểm tra đánh giá cũng có nhiều đổi mới. Qua mỗi kỳ học, Phòng Đào tạo nhà trường tổ chức phát phiếu thăm dò nhằm khảo sát chất lượng học tập của học viên và chất lượng giảng dạy của giảng viên. Thành lập ban thanh tra của nhà trường để thường xuyên kiểm tra, giám sát các kỳ thi, kiểm tra hết môn học, học phần. Tăng cường kiểm tra hồ sơ, sổ sách quản lý lớp học của giáo viên chủ nhiệm lớp. Qua đó, tổng kết tình hình dạy và học của từng lớp, từng chuyên ngành; chỉ ra được những ưu, khuyết điểm, những nét đặc thù để báo cáo cho Ban giám hiệu Nhà trường và các trường đại học liên kết cùng phối hợp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc bảo quản và sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có. Có kế hoạch mua sắm, thay thế, bổ sung kịp thời các trang thiết bị dạy học còn thiếu và bị hỏng, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên có ý thức trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn tài sản công. Sử dụng tài sản và các trang thiết bị tiết kiệm và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và khả năng ứng dụng vào thực tiễn công tác của mỗi học viên.
Vũ Hương Giang
(Trường Trung cấp KT-KT & TC Ninh Bình)