Cũng như bao mái trường THPT trên khắp mọi miền Tổ quốc, trường cấp 3 Lương Văn Tụy, Trường cấp 3 Hoa Lư A (nay là Trường THPT Hoa Lư A)... ngày ấy không tránh khỏi những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về điều kiện cuộc sống, giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Ngôi trường dành cho 6 xã của huyện Hoa Lư ngày ấy ẩn mình bên vách núi, bao quanh đều là ruộng nước, kênh mương. Chỉ vài dãy nhà cấp 4 tạm bợ được che phủ kín đáo bởi dãy xà cừ được trồng từ các khóa trước với khoảng sân đầy sỏi, đá dăm. Khắp các nẻo đường từ các xã đến trường đều là những con đường đất, đường cấp phối, chi chít những ổ gà, ổ voi, ngoại trừ tuyến đường từ Trường Yên-Ninh Hòa ra Cầu Huyện theo Quốc lộ 1A xuống thị xã Ninh Bình là đường nhựa nhưng rất hẹp và khó đi, hai bên rất ít nhà cửa và chủ yếu là ruộng, ao, ngòi.
Thời điểm ấy "Nhà nhà nung vôi, người người nung vôi" cả Ninh Bình đâu đâu cũng tràn ngập các điểm nung vôi, bán vôi, gạch xỉ. Trong số học sinh chúng tôi, không ít đứa nhờ "ăn theo" nghề nung vôi, bán vôi gạch xỉ mới có điều kiện đến trường học hành đỗ đạt. Từ Trường Yên, Ninh Hòa xuống đến Ninh Mỹ, Ninh Khánh chỉ một tuyến đường này thôi, mỗi ngày có tới hàng trăm xe bò kéo, xe tăctơ (máy kéo) chở đá đi, chở than về, chở vôi đi, chở xỉ về… Mỗi khi đoàn xe này chạy qua là một con rồng bụi, là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông. Vậy mà đám học trò chúng tôi khối đứa, trong đó có tôi, nhiều lần đi đến trường vì không có xe đạp vẫn cắp cặp, đi ké, bám theo, ngồi lên những hòn đá trong thùng của những chuyến xe kinh hoàng ấy đến trường. Vẫn câu chuyện đánh đá, nung vôi.
Bên cạnh khuôn viên trường ngày ấy tồn tại nhiều năm các lò đánh đá, nổ mìn của người dân Ninh Mỹ. Cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh của người dân xung quanh mà tập thể giáo viên, học sinh nhà trường nhiều năm liền phải chấp nhận, phải nơm nớp lo sợ chuyện nổ mìn, đánh đá. Có lần đang giờ học, mìn bên núi nổ lớn, đất rung chuyển, ngói vỡ vì mảnh đá văng xa, cả lớp, cả trường nháo nhác lo sợ. Cũng câu chuyện nghèo khó, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, các thầy, cô nhà trường được địa phương hỗ trợ bù đắp khó khăn bằng cách tạo điều kiện cho trường khai hoang khoảnh ruộng khu trung tâm thị trấn Thiên Tôn bây giờ để cấy lúa, chúng tôi được giao nhiệm vụ tiên phong trong việc phá ruộng năn cấy lúa, giúp thầy cô ổn định cuộc sống. Cũng vì những khó khăn của cuộc sống, một nhóm thợ đúc gang, đúc nhôm được thuê mặt bằng ngay trong khuôn viên nhà trường để hành nghề thủ công, tạo thêm nguồn thu cho trường. Mùa rét, cứ mỗi khi giải lao, chúng tôi lại vây quanh những lò đúc gang này để sưởi ấm, nô đùa. Mãi sau mới biết đây là lò đúc gang "chui"...
Nhắc lại chuyên này, người sống xa quê như tôi tự nhiên thấy rạo rực, bồi hồi nhớ quê, nhớ trường, nhớ bạn da diết. Nay có dịp trở về, mọi thứ đã khác xưa. Quê hương Ninh Bình cũng như mái Trường THPT Hoa Lư A thân yêu đang từng ngày đổi mới, phát triển. Một đô thị trẻ, một thị trấn Thiên Tôn đang vươn mình trỗi dậy trên đà đô thị hóa, ẩn mình trong bức tranh toàn cảnh ấy, ngôi trường của chúng tôi, Trường THPT Hoa Lư A cũng là một điểm nhấn của sự đổi thay, phát triển. Trường được xây dựng khang trang, kiên cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, học tập. Niềm tự hào kiêu hãnh của các thế hệ học sinh chúng tôi không chỉ là sự đổi thay của vùng đất, của mái trường mà là sự cống hiến, sự trưởng thành của bao thế hệ học sinh từ mái trường này. Không ít người đã trưởng thành đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người hiện giữ chức vụ cao trong hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội. Nhiều người là doanh nhân thành đạt. Dù là ai, mức độ trưởng thành có khác nhau song tôi tin trong ký ức mỗi người ngôi Trường THPT Hoa Lư A luôn là những kỷ niệm đẹp, đáng trân trọng và tự hào…
Đinh Gia Cư
Đài PT-TH Gia Lai