Đến thăm Trường Tiểu học thị trấn Nho Quan, điểm gây ấn tượng nhất với chúng tôi đó là khuôn viên Thư viện xanh. Đó là một không gian nho nhỏ, có mái vòm để che nắng che mưa, những chiếc lọ thần kỳ được trang trí bắt mắt, bên trong đựng những cuốn sách hấp dẫn được trăng treo vừa tầm với của học sinh tiểu học; những hàng ghế đá, những bóng cây xanh rợp mát… đã thực sự tạo được sức lôi cuốn đối với các em học sinh lứa tuổi nhi đồng.
Cô giáo Đinh Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường và cũng là tác giả của mô hình thư viện xanh cho biết: Nhằm phát triển văn hóa đọc trong học sinh, những năm qua nhà trường đặc biệt qua tâm tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động của phòng thư viện. Bên cạnh thư viện truyền thống, nhà trường còn có thư viện điện tử, ở mỗi lớp cũng có tủ sách thân thiện. Tuy vậy, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Bởi lẽ, hầu hết các hình thức thư viện này đều có cách tổ chức kho sách "đóng", nghĩa là phải mượn- đọc sách tại chỗ, hình thức phục vụ còn cứng nhắc. Cán bộ, giáo viên và học sinh khi tham gia đọc sách còn mất nhiều thời gian cho việc mượn, trả; hoạt động thư viện còn đơn điệu, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục những tồn tại phổ biến hiện nay trong các thư viện trường học, đồng thời mong muốn xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh thật sự hiệu quả tại Trường Tiểu học thị trấn Nho Quan, tôi đã nghiên cứu và thử nghiệm mô hình thư viện xanh trong trường học. Điểm khác biệt đó là thư viện được tổ chức ngoài sân trường, tạo ra hoạt động thư viện phong phú, thuận lợi để giáo viên cũng như học sinh chủ động khám phá, tìm tòi kiến thức.
Ý tưởng thực hiện mô hình thư viện xanh đã nhận được sự ủng hộ, động viên lớn của thầy cô trong trường và các bậc phụ huynh. Phụ huynh tình nguyện đóng góp hỗ trợ nhà trường làm mái vòm, mua ghế đá và tài liệu sách, báo. Thầy cô và các em học sinh cùng vào cuộc để sáng tạo ra những tủ sách đơn giản, dễ tìm, dễ sử dụng mà lại thân thiện với môi trường. Nhà trường đã huy động giáo viên, học sinh sử dụng những chai nhựa, ống nhựa đã qua sử dụng, cùng cắt, sơn, buộc thành những tủ sách rất sáng tạo, giúp cho học sinh có thể tự lấy sách ra đọc rồi lại tự bỏ sách vào "tủ".
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, nhà trường đã hoàn thiện được không gian thư viện xanh ngoài sân trường vừa đẹp mắt, hấp dẫn vừa tiện dụng với khu nhà vòm có thể treo các tủ sách thân thiện không phải cất vào sau mỗi ngày; có khu gốc cây râm mát để treo tủ sách lưu động có thể mang ra và thu về mỗi ngày.
Đặc biệt, ở khu thư viện xanh còn bố trí các góc thư giãn cho học sinh vui chơi như chơi cờ vua, vẽ tranh, viết văn... Em Nguyễn Viết Lâm, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học thị trấn Nho Quan phấn khởi cho biết, đến với thư viện xanh, thân thiện, các em có thể tự do lựa chọn các hoạt động, các cuốn sách yêu thích và tìm kiếm những thông tin bổ trợ cho các bài học trên lớp hoặc tham gia vào các hoạt động khác như đọc, viết, nghe nhạc, làm thơ... Từ ngày có thư viện xanh, hầu hết các em đều duy trì thói quen đọc sách hàng ngày sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp.
Cô giáo Đinh Thị Thúy cho biết thêm: Từ việc ham đọc sách, các em học sinh đã tích cực làm theo những điều hay, lẽ phải được giáo dục thông qua những nhân vật trong truyện tranh hoặc học tập tấm gương các bạn đội viên xuất sắc được tuyên dương trên báo, tạp chí. Từ việc đọc sách, báo, nhà trường khuyến khích các em tham gia viết bài cho các báo, tạp chí dành cho tuổi thơ. Các bạn có bài đăng trên các tạp chí đều được nhà trường khen thưởng, động viên bằng những món quà nho nhỏ.
Nhờ đó, trong những năm học vừa qua, các em học sinh trong trường đã mạnh dạn, tự tin tham gia vào nhiều cuộc thi do các báo, tạp chí phát động và đã đạt được giải thưởng cao. Điển hình, năm học 2017-2018, nhà trường có 37 học sinh và tập thể lớp có bài đăng trên các tạp chí dành cho tuổi thơ; 1 học sinh vào vòng chung kết cuộc thi nét chữ nết người do Báo Nhi đồng chăm học phát động và đã giành giải khuyến khích. Cũng trong năm học 2017-2018, nhà trường có em học sinh đạt giải nhì quốc gia cuộc thi tìm hiểu lịch sử tự hào nòi giống con Rồng cháu Tiên do tạp chí Văn tuổi thơ phát động.
Bài, ảnh: Đào Hằng