Năm học 2015 - 2016 nhà trường tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện dạy thí điểm môn Mĩ thuật theo phương pháp mới này ở các khối lớp có giáo viên chuyên biệt dạy. Để việc dạy và học Mĩ thuật có hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, phân công lãnh đạo phụ trách, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện để giáo viên được tham dự các lớp tập huấn về chuyên môn Mĩ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, Tổ Mĩ thuật thành phố Ninh Bình tổ chức. Tiến hành sắp xếp lại thời khóa biểu môn Mĩ thuật của các khối lớp một cách hợp lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc dạy và học Mĩ thuật của giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, đây là thời gian dạy thí điểm nên còn rất nhiều khó khăn cho giáo viên và nhà trường như: chưa có hướng dẫn thực hiện chương trình và bài soạn cụ thể cho từng khối lớp, giáo viên dạy phải tự nghiên cứu chương trình, liên kết các bài có nội dung gần nhau để đặt tên chủ điểm tự soạn để lên lớp, phòng học chưa đáp ứng được theo yêu cầu bộ môn, chưa có nơi lưu giữ sản phẩm của học sinh.
Xác định đúng vai trò quan trọng của môn Mĩ thuật trong chương trình giáo dục tiểu học, bằng sự vượt khó, cộng đồng trách nhiệm, trong năm học vừa qua việc dạy - học Mĩ thuật theo phương pháp mới được cô và trò phấn khởi đón nhận. Với mục tiêu Mĩ thuật chỉ là một hoạt động, học sinh hiểu biết, cảm nhận và sáng tạo. Nội dung kiến thức là các chủ đề, chủ điểm mang tính hệ thống liên tục, các bài có tính logic với nhau, kết thúc bài mở có thể phát triển thêm ở bài sau.
Chương trình gồm 3 phân môn: Hội họa 2 chiều, hội họa 3 chiều và trang trí. Hoạt động Mĩ thuật là sự tích hợp của nhiều môn: Âm nhạc, Tự nhiên xã hội, Tiếng việt, Thể dục. Phương pháp dạy học có sự tương tác qua lại 2 chiều giữa thầy và trò, không khuôn mẫu mà linh hoạt, tổ chức các hoạt động Mĩ thuật nhằm truyền cảm hứng, khuyến khích học sinh phát triển khả năng sáng tạo và hình thành năng lực thẩm mĩ.
Đánh giá kết quả học tập của học sinh là quá trình xác nhận sự tiến bộ theo các tiêu chí: Học sinh tự đánh giá lẫn nhau; Giáo viên đánh giá học sinh (không áp đặt, không phán xét), phụ huynh đánh giá học sinh (phụ huynh có thể tham gia vào hoạt động).
Dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới, quá trình tham gia học tập của học sinh được thoải mái hơn, các em được làm việc theo nhóm (thay vì làm việc cá nhân - mỗi em một quyển vở, độc lập làm bài), được bàn bạc, mạnh dạn tự tin bày tỏ quan điểm và chia sẻ về cách làm sản phẩm, cách sắp xếp các hình ảnh, cách làm các mô hình, hay chia sẻ các ý tưởng về sản phẩm của nhóm mình với các nhóm khác.
Kết thúc mỗi hoạt động mở có thể phát triển thêm ở hoạt động sau, nếu học sinh chưa hoàn thành sản phẩm trong một giờ học, khi đánh giá sản phẩm, giáo viên tôn trọng sản phẩm của các em, không đưa ra lời phán xét kết quả. Đây là phương pháp dạy học tích cực, coi việc học Mĩ thuật là một hoạt động với phương châm "Nghe rồi sẽ quên, nhìn rồi sẽ nhớ, chỉ có tự làm thì sẽ hiểu".
Các em thực sự hứng thú và tích cực, sôi nổi tham gia học tập và nhận ra là từ các vật liệu phế thải bỏ đi, ta có thể tái sử dụng để tạo ra những sản phẩm dùng để trang trí thật ngộ nghĩnh phù hợp với tâm lý của các em. Từ các hoạt động trên đã cho thấy cách dạy và học Mĩ thuật theo phương pháp mới thực sự có hiệu quả, là phương pháp tích cực phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh.
Quan sát học sinh làm việc, giáo viên cảm nhận được tinh thần học tập sôi nổi, hào hứng và có hiệu quả của các em. Trong mỗi nhóm, các em đã biết hỗ trợ giúp nhau để hoàn thành sản phẩm, cùng nhau lựa chọn và sắp đặt các hình ảnh tiêu biểu thành bức tranh theo đề tài đã chọn. Từ cách làm mô hình hay cách sắp đặt các mô hình để tạo thành hoạt cảnh, học sinh đã xây dựng được những mẩu chuyện vui, dí dỏm xung quanh cuộc sống, biết quan tâm, chia sẻ với bạn bè, thầy cô và người thân.
Phạm Thị Xuân Thu
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Bình