Một tiết học kỹ thuật của các em học sinh lớp 5, trường Tiểu học Ninh Thắng rất hào hứng, hăng say. Những hình ảnh robot, lắp đặt đèn giao thông hay con ốc sên… là chủ đề mà từng nhóm học sinh lựa chọn để thực hiện trong tiết học này. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, mỗi nhóm học sinh sau khi nhận đề tài đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên, bắt tay vào thực hiện một cách đầy hào hứng, trách nhiệm.
Sau một thời gian, nhóm học sinh do em Bùi Ngọc Anh làm trưởng nhóm đã hoàn thiện việc lắp đặt một con ốc sên. Chiếc máy tính bảng có kết nối Internet chính là cuốn "cẩm nang" hướng dẫn các em cách lắp đặt các mô hình. Mặc dù chỉ có một thời gian ngắn thực hành, xong các thao tác tìm kiếm các công cụ hỗ trợ trên mạng Internet của các em học sinh khá thuần thục, chính xác.
Chưa dừng lại ở đó, các em học sinh tiếp tục nghiên cứu để tìm cách cho con ốc sên … biết bò bằng cách đưa thêm động cơ bánh xe. Khi con ốc sên "bước đi" được, cả lớp đã thưởng cho nhóm một tràng pháo tay về thành quả đạt được. Một tiết học đầy hứng thú đã kết thúc như thế…
Còn khá nuối tiếc khi tiết học ở phòng học thông minh đã trôi qua, em Bùi Ngọc Anh chia sẻ: Tham gia vào lớp học thông minh cũng là lần đầu tiên cháu được sử dụng máy tính bảng có kết nối internet trong học tập nên rất vui, thích thú. Hệ thống thiết bị học tập hiện đại đã giúp chúng cháu có một tiết học vui nhộn nhưng rất hiệu quả. Ở mỗi môn học, chúng cháu được mở rộng thêm kiến thức, tài liệu tham khảo của cô giáo và sự trợ giúp của các thiết bị thông minh. Ngoài các môn học chính, cháu còn rất thích tìm hiểu về các nguồn năng lượng như năng lượng từ nước, năng lượng mặt trời… từ đó thấy cuộc sống xung quanh có nhiều điều rất thú vị.
Giới thiệu với chúng tôi về phòng học thông minh, cô giáo Lã Thị Thu Hiền, chủ nhiệm lớp 5 cho biết: Dạy và học tại phòng học thông minh, thầy và trò được sử dụng các thiết bị như: Máy tính bảng, robot, bảng nhóm, các thiết bị, mô hình… đặc biệt là việc sử dụng màn hình tương tác, mang đến sự mới mẻ, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập.
Nhờ có màn hình tương tác, giáo viên thuận lợi hơn khi tải các dữ liệu cần thiết phục vụ cho bài giảng, giúp bài giảng trở nên sinh động hơn. Cùng với đó, nhiều hình ảnh minh họa, khối lượng kiến thức trong một tiết học được truyền tải dễ dàng, nhiều hơn và sâu hơn. Đặc biệt, trong tiết làm bài tập, giáo viên sẽ lựa chọn một bài giải để đưa lên màn hình tương tác, từ đó cả lớp cùng đánh giá, nhận xét và đưa ra phương pháp làm bài hay nhất, sáng tạo nhất…
Lớp học thông minh dành cho tất cả các khối lớp tham gia. Bởi vậy, giáo viên chủ nhiệm sẽ có phương pháp sử dụng các thiết bị phù hợp với nội dung kiến thức trong chương trình học của các đối tượng học sinh. Đối với học sinh lớp 1, là bộ dụng cụ học đếm, là "thế giới" côn trùng đa dạng như những con bọ cánh cứng, các loại bướm đủ sắc màu, những con cua, tôm, cá… được xử lý và ép vào trong những chiếc hộp nhỏ để trưng bày như một viện bảo tàng nhỏ, thu hút sự tò mò, khám phá của các em học sinh nhỏ tuổi…
Cô giáo Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2020-2021, nhà trường được trang bị lớp học thông minh với đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất và các thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy và học hiện đại. Để khai thác, sử dụng tối đa hiệu quả phòng học thông minh, nhà trường đã cử giáo viên tham gia lớp tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau đó tập huấn lại tại trường cho tất cả các giáo viên trong trường.
Các tổ chuyên môn nghiên cứu, lựa chọn các môn học phù hợp, cần thiết để sử dụng các thiết bị trong phòng học thông minh. Mỗi tuần, các lớp sẽ có 1 buổi học tại phòng học thông minh. Cũng là những nhóm thiết bị đó, song được sử dụng một cách linh hoạt, phù hợp với chương trình học. Ví dụ các em học sinh lớp 1 sẽ học các môn Toán, Tiếng Việt; lớp 2 trở lên sẽ học các môn như Toán, Tiếng Việt, Khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu các nguồn năng lượng…
Việc sử dụng các thiết bị nói trên cho phép giáo viên chuyển trực tuyến đến học sinh nội dung bài học, nội dung kiểm tra, các phiếu học, các câu hỏi trắc nghiệm. Giáo viên ứng dụng mạnh mẽ CNTT để khai thác các tài liệu hấp dẫn, giá trị, phục vụ cho tiết học thêm sinh động. Các em học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong việc sử dụng thiết bị công nghệ, có kỹ năng khai thác và chia sẻ thông tin, đặc biệt là các em rèn được khả năng thuyết trình trước đám đông.
Mỗi tiết học đều có "nhật ký" để ghi lại, nhằm kịp thời phát hiện những lỗi của thiết bị để nhà cung cấp xử lý. Đồng thời, tăng trách nhiệm của cô và trò trong việc bảo vệ, khai thác hiệu quả các tính năng của thiết bị dạy học.
Sắp tới, trường Tiểu học Ninh Thắng còn có kế hoạch tổ chức thi các sản phẩm do học sinh đã lắp ghép. Qua đó, tạo không khí phấn khởi, động lực để các em học sinh thi đua sáng tạo và thêm say mê trong học tập.
Bài, ảnh Đào Hằng