Theo thống kê của nhà trường, chỉ tính từ năm 2003-2004 đến nay, qua 6 lần tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, nhà trường đã có 4 năm đạt giải nhất và 2 năm đạt giải nhì toàn đoàn. Với 127/144 học sinh dự thi đạt giải, trong đó có 24 em đạt giải nhất, 41 em giải nhì và 36 em giải ba… Trong các năm học 2007-2008 và 2008- 2009 nhà trường có 5 em dự thi học sinh giỏi Quốc gia, cả 5 em đều đạt giải với 2 giải ba và 3 giải khuyến khích.
Từ khi Bộ Giáo dục - Đào tạo bỏ quy định tuyển thẳng đại học, cao đẳng đối với học sinh đạt giải Quốc gia, nhiều bậc phụ huynh học sinh không thích con tham gia đội tuyển học sinh giỏi vì sợ mất nhiều thời gian tập trung cho 1 môn mà sao nhãng những môn học khác. Nhiều học sinh học ở đội tuyển một thời gian rồi xin thôi học, có trường hợp cha mẹ lên tận nơi xin cho con ra khỏi đội tuyển để tập trung ôn thi đại học, có thầy, cô giáo dạy đội tuyển được một thời gian thì xin thôi, không dạy nữa… Điều đó chứng tỏ một số giáo viên, học sinh và phụ huynh đều chưa nhận thức đúng về vị trí và tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong nhà trường. Trước tình hình đó, nhà trường đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để mọi người thấy rõ việc bồi dưỡng học sinh giỏi cần có sự ủng hộ, hợp tác tích cực của tập thể sư phạm, cha mẹ học sinh. Đây cũng là trách nhiệm của nhà trường, của mỗi giáo viên, vì vậy kết quả dạy học sinh giỏi là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua trong năm học.
Việc lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi luôn được nhà trường chú trọng và quan tâm phát hiện ngay từ khi các em thi tuyển vào lớp 10. Để tuyển chọn chính xác, nhà trường đã căn cứ vào nhiều thông tin, phát hiện tuyển chọn đúng những tài năng thực sự. Việc tổ chức, phát hiện, tuyển chọn học sinh giỏi được nhà trường phân công cho từng giáo viên, để giáo viên đưa vào kế hoạch công tác của mình và có kế hoạch bàn giao cho giáo viên kế cận năm sau.
Trên cơ sở có một sự tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng, nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, dựa trên những mặt mạnh, mặt yếu của đội tuyển, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính… Kế hoạch của nhà trường trong nhiều năm đã đảm bảo tính khả thi, không để xảy ra tình trạng dạy dồn ép vào thời gian cuối trước khi thi và không có phần tự học cho học sinh.
Biện pháp quan trọng nhất được nhà trường xác định đó chính là việc chỉ đạo phân công và bồi dưỡng giáo viên. Thầy giáo Hiệu trưởng Đỗ Văn Thông cho biết: Nếu phân công giáo viên dạy đội tuyển một khối cố định trong nhiều năm (phân công chuyên) sẽ có ưu điểm giáo viên có điều kiện nghiên cứu sâu kiến thức, có kinh nghiệm và đảm bảo sự ổn định thành tích. Tuy nhiên, cách phân công này có nhược điểm là giáo viên không có được cái nhìn tổng thể, xuyên suốt chương trình. Không tạo cơ hội cho giáo viên mới vào nghề có thể dạy học sinh giỏi. Khắc phục tình trạng này, những năm gần đây Trường đã phân công giáo viên theo hướng phối hợp cả hai cách "phân công chuyên và luân phiên". Điều này có ý nghĩa dự trữ và bồi dưỡng đội ngũ kế cận, nhất là khi lực lượng giáo viên trẻ chiếm đa số.
Để làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, trong đó năng lực chuyên môn là khâu quan trọng. Nhà trường đã biết khai thác vai trò đầu tàu của những giáo viên giàu kinh nghiệm. Chính vì thế, đến nay nhà trường đã có một đội ngũ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi với bề dày thành tích, tâm huyết với nghề như: Thầy giáo Nguyễn Hữu Thanh (môn Địa lý); cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt (môn Hóa học); cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan (môn Toán); thầy giáo Đỗ Huy Thông (môn Toán); cô giáo Hoàng Kim Sen (môn Lịch sử)…
Nhà trường xác định, việc dạy học sinh giỏi khác với việc dạy đại trà, vì vậy nhà trường đã thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về cách dạy trên lớp, cách rèn phương pháp tư duy, cách kiểm tra đối với các môn xã hội, môn tự nhiên… Thông qua các buổi hội thảo, giáo viên phải thấy rõ nhiệm vụ chính của họ là giúp học sinh có khả năng phát hiện, suy đoán và tự giải quyết vấn đề.
Cùng với những quan tâm về đội ngũ, nhà trường cũng quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất như: Xây dựng kho tư liệu, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học. Hằng năm nhà trường đều mua sắm thêm tài liệu, sách tham khảo đảm bảo giáo viên và học sinh trong đội tuyển có đủ sách học tập và tham khảo.
Nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường cần được nhân rộng và phát huy hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, công tác thi đua khen thưởng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một đội ngũ giáo viên giỏi, học sinh giỏi nhiều năm cho nhà trường. Thông qua công tác xã hội hóa giáo dục, cha, mẹ, các đoàn thể, tổ chức xã hội đã cùng vào cuộc quan tâm, khuyến khích động viên, hỗ trợ kinh phí cho các em ôn thi đội tuyển.
Nguyễn Thơm