Năm học 2006-2007, Trường THPT Nho Quan A là một trong những trường công lập có số học sinh trượt tốt nghiệp nhiều nhất trong tỉnh, số học sinh đỗ tốt nghiệp của cả hai đợt chỉ đạt trên 60%. Theo đánh giá của nhà trường, đây là năm có số thí sinh trượt nhiều nhất từ trước đến nay. Kết quả này phản ánh tương đối sát thực về chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đây là một trường nằm trong khu vực nông thôn, miền núi, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, học sinh cũng không được gia đình đầu tư nhiều cho học tập dẫn đến tình trạng: học theo phong trào, học cho bố mẹ… Bên cạnh đó, số giáo viên của nhà trường thường xuyên biến động do luân chuyển công tác. Đây có thể coi là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của trường.
Trường THPT Nho Quan A. Ảnh: Phạm Trường
Tuy kết quả tốt nghiệp năm học trước làm cho nhà trường cũng như học sinh rất lo lắng nhưng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh năm nay cũng chưa có gì thay đổi. Thầy giáo Đinh Thanh Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nho Quan A cho biết: Hiện tại buổi sáng nhà trường vẫn tiến hành dạy chương trình chính khóa theo quy định, buổi chiều tiến hành ôn tập. Đến nay, Trường đã tổ chức ôn được 6 tuần với số lượng 2 buổi/tuần, chia đều cho tất cả các môn thi, như vậy quá ít so với nhu cầu của học sinh". Theo thầy Hồng thì nhà trường rất khó có thể sắp xếp tăng số buổi ôn tập cho học sinh, bởi vì phòng học không đủ, giáo viên thiếu, phải làm việc với cường độ rất lớn. Vì vậy, dẫn đến tình trạng hôm có phòng thì thiếu giáo viên, hôm có giáo viên thì không có phòng học. Giải quyết điều này nằm ngoài khả năng của nhà trường.
Từ bài học của kỳ thi tốt nghiệp năm trước, có thể thấy phần lớn học sinh đã có ý thức, cố gắng hơn trong học tập, thái độ ỷ lại, trông chờ đã phần nào được khắc phục. Điều này thể hiện qua kết quả học tập của học sinh lớp 12 so với học kỳ 1 năm ngoái tăng lên rõ rệt. Đối với giáo viên, cũng đã có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, chú trọng hơn đến việc rèn luyện phương pháp làm bài thi cho học sinh. Nhiều giáo viên các bộ môn chính như: Văn, Toán, Ngoại ngữ đã không quản khó khăn, tận tình giúp đỡ những học sinh đầu yếu ngoài giờ học chính khóa. Tuy nhiên, những điều này chỉ mới trấn an về mặt tinh thần cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp, còn một khâu quan trọng đó là ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi thì nhà trường vẫn còn đang thực hiện rời rạc.
Để giúp học sinh có được kết quả thi tốt nghiệp cao hơn, nhà trường cần khắc phục những khó khăn để dồn trọng tâm vào bồi dưỡng kiến thức cho học sinh lớp 12. Tăng số buổi ôn tập và tư vấn cách làm bài thi cho học sinh theo hệ thống, tổ chức các đợt kiểm tra và thi thử để nắm bắt được kết quả thực, khắc phục kịp thời những yếu kém trong quá trình làm bài thi của học sinh. Có như thế kỳ thi tốt nghiệp năm học 2007-2008 mới đạt kết quả cao hơn.
Nguyễn Thơm