Đến nay, qua hơn 2 năm học hoạt động theo mô hình công lập, Trường THPT Ngô Thì Nhậm đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao, đáp ứng niềm tin của phụ huynh, học sinh.
Thầy giáo Phạm Tuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc chuyển đổi loại hình từ bán công sang công lập là một thách thức lớn đối với thầy và trò nhà trường. Như chất lượng "đầu vào" của trường còn thấp, đội ngũ giáo viên lại luôn có sự biến động, cán bộ hợp đồng nhiều.
Mặt khác, một số giáo viên mới chuyển đến chưa thể bắt nhịp ngay với điều kiện, môi trường sinh hoạt cũng như chưa quen đối tượng học sinh nên phương pháp giáo dục chưa phù hợp với tâm lý học trò...
Trước thực tế đó, Hội đồng sư phạm nhà trường đã có nhiều cuộc họp, phân tích những thuận lợi, khó khăn, từ đó đề ra những giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên phải tự hoàn thiện mình, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của người thầy. Hiện tại, nhà trường có 53 cán bộ, giáo viên, CNV, trong đó giáo viên trực tiếp đứng lớp là 43 người, đa số còn rất trẻ và giàu lòng nhiệt tình. Hiện nay, nhà trường đã có 4 thạc sỹ, 11 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Cùng với việc kiện toàn đội ngũ, nhà trường đã chú trọng lựa chọn các thầy, cô giáo có năng lực, tinh thần trách nhiệm, có khả năng quy tụ mọi người để giao trọng trách tổ trưởng chuyên môn; thành lập đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng, để nâng cao chất lượng thì vấn đề cốt lõi vẫn là cách dạy và cách học, phải tổ chức dạy và học một cách thực chất. Việc làm này phải được thực hiện theo lộ trình, tức là thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ, giáo viên cho đến từng học sinh.
Các phong trào thi đua "Hai tốt" đã được triển khai gắn với nội dung cuộc vận động "Hai không" và cuộc vận động "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm". Bắt đầu từ năm học 2006-2007, Trường đã xây dựng tiêu chí thi đua và đánh giá thi đua dựa trên tình hình thực tế; cách tổ chức đánh giá phong trào, hoạt động cũng được xây dựng phù hợp, không chạy theo thành tích.
Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên phải thực hiện đúng, nghiêm túc quy trình một giờ lên lớp: Kiểm tra sĩ số; kiểm tra việc làm bài tập và ôn bài cũ của học sinh, đánh giá và cho điểm học sinh, kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm những học sinh vi phạm các nội quy, quy định của nhà trường.
Cách ra đề kiểm tra đã được tiến hành theo phương pháp chẵn - lẻ nhằm đánh giá sát hơn năng lực của mỗi học sinh, từ đó có biện pháp bồi dưỡng và nâng dần kiến thức cho các em. Đồng thời tổ chức coi thi và chấm thi một cách chặt chẽ, nghiêm túc nhằm đánh giá năng lực thực chất của học trò.
Điều đáng nói nữa là kỷ cương, nền nếp của nhà trường được duy trì và giữ vững. Nếu như trước đây, nhiều người vẫn thấy học sinh của Trường đánh nhau, chửi nhau, ăn mặc không phù hợp..., thì hiện nay, hiện tượng đó gần như không còn.
Hầu hết học sinh có đạo đức, lối sống lành mạnh không mắc các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Làm được điều này, Trường đã coi trọng công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Thực hiện quản lý học sinh thông qua việc duy trì, báo cáo sỹ số, thông qua tiết sinh hoạt 15 phút đầu giờ và tiết cuối ngày thứ 7 hàng tuần.
Trường đã thường xuyên kiểm tra nền nếp, hoạt động của đội thanh niên xung kích…, góp phần duy trì nội quy nhà trường. 10 điều nội quy và quy định nếp sống văn hóa đã được triển khai và duy trì thường xuyên, các hoạt động sinh hoạt tập thể về ATGT, phòng, chống HIV/AIDS đã có tác dụng nâng cao nhận thức cho học sinh, kỷ luật nhà trường luôn được giữ vững.
Hiện nay, Trường có 20 lớp với trên 940 học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường dần được đầu tư hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và ổn định. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp năm 2007-2008 của nhà trường đạt 98,3%.
Cũng trong năm học này, Trường đã xuất sắc đoạt 7 giải tại Hội thi giáo viên giỏi THPT cấp tỉnh, xếp thứ 3 toàn đoàn (sau Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy và THPT Trần Hưng Đạo).
Đức Nghĩa