Cô giáo Đinh Thị Ngoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THPT Dân tộc Nội trú Ninh Bình được thành lập năm 1992, là một loại hình trường chuyên biệt, có chức năng và nhiệm vụ "tạo nguồn" đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cán bộ khoa học kỹ thuật, các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng cao, vùng sâu cho cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Nhiệm vụ và các hoạt động của nhà trường đa dạng, phong phú nhưng đầy tính phức tạp, nhà trường phải quản lý học sinh 24h/ngày. Ngoài hoạt động dạy và học, nhà trường phải thực hiện các nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, quản lý việc tự học, tự rèn luyện, tự phục vụ và các hoạt động giáo dục khác theo Quy chế tổ chức hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
Năm học 2017-2018, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình có 47 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 300 học sinh cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học tương đối đầy đủ. Để xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, Ban giám hiệu nhà trường đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, Hội cha mẹ học sinh về lợi ích của việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.
Theo đó, Ban giám hiệu đã chủ động rà soát các tiêu chí của 5 tiêu chuẩn, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm tra các hạng mục cơ sở vật chất, khối các phòng học tập và phục vụ học tập, danh mục thiết bị hiện có, từ đó từng bước đầu tư, mua sắm thiết bị theo hướng chuẩn.
Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các hạng mục về cơ sở vật chất còn thiếu như các phòng học, phòng chức năng, sân chơi, nhà đa chức năng, KTX học sinh, nhà ăn nội trú, lắp đặt hệ thống camera quản lý học sinh, đầu tư sân chơi, bãi tập, hồ nước, vườn hoa cây cảnh, cây xanh bóng mát... Vừa qua nhà trường đã được đầu tư giai đoạn 1 tổng số vốn trên 36 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, cơ bản đạt các điều kiện theo tiêu chí về cơ sở vật chất trong xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia.
Trong thực hiện dạy và học, thực hiện phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt", ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn và cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký các danh hiệu thi đua và phấn đấu rèn luyện trong năm. Tạo điều kiện để các cá nhân phấn đấu, đẩy mạnh khí thế thi đua sôi nổi trong giảng dạy và học tập nhằm đạt được những kết quả cao nhất trong công tác giáo dục toàn diện học sinh.
Đội ngũ giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy học; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề. Nhà trường đã tổ chức nhiều chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó các chuyên đề về bồi dưỡng học sinh giỏi và ứng dụng CNTT được đặc biệt chú trọng. 100% các tiết dự giờ, chuyên đề dạy giáo án điện tử; giáo viên đã có máy vi tính và nối mạng Internet, có email cá nhân; nhà trường đã có trang web riêng.
Phương pháp hướng dẫn học đã được giáo viên sử dụng tích cực và đạt hiệu quả; các hoạt động sinh hoạt tập thể đã đổi mới cả nội dung và hình thức, mang lại cảm giác vừa học vừa chơi, tạo không khí học tập thoải mái cho học sinh. Hàng năm, trên 74% cán bộ, viên chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; gần 100% giáo viên được đánh giá xếp loại chuẩn giáo viên THPT, trong đó tỷ lệ đạt xuất sắc chiếm gần 73%.
Trong phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", nhà trường đã có nhiều giải pháp để thực hiện tốt 5 yêu cầu và 5 nội dung của phong trào, tạo nên môi trường sư phạm thân thiện, cảnh quan môi trường luôn an toàn, xanh, sạch, đẹp, giúp học sinh an tâm, tích cực trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện tại trường.
Trong đó tập trung đổi mới công tác quản lý, công tác bảo vệ 24/24h bằng việc tăng cường trực của bảo vệ, quản sinh và thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an địa phương để có các biện pháp can thiệp trong và ngoài nhà trường một cách kịp thời. Lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera để quản lý các hoạt động toàn diện của nhà trường.
Cùng với đó, nhà trường quan tâm chăm lo đến việc ăn ở, sinh hoạt nội trú của học sinh hàng ngày. Tổ chức bữa ăn đảm bảo định lượng, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, luôn cải tiến bữa ăn, thay đổi khẩu vị để nâng cao chất lượng, đề phòng dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm…
Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt chiếm gần 87%, loại khá trên 9%, không có học sinh hạnh kiểm yếu; số học sinh đạt học lực giỏi chiếm gần 6%, khá trên 57%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp đạt gần 40%; có 4 học sinh được bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, trong đó 1 học sinh được kết nạp Đảng trong trường học…
Với sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò trong 25 năm qua, nhà trường đã nhận được nhiều phần thưởng: Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua thời kỳ đổi mới; 9 cờ thi đua của các cấp, các ngành. 25 năm, Trường đã đạt 114 huy chương các loại, trong đó có 33 huy chương vàng, 43 huy chương bạc, 40 huy chương đồng trong Hội thi Văn hóa - Thể dục thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc và các cuộc thi của tỉnh…
Các tổ chức, đoàn thể của nhà trường như Chi bộ đảng, Đoàn thành niên, Công đoàn liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng bào dân tộc các địa phương trong huyện tin tưởng gửi con em học tập và rèn luyện tại trường.
Đặc biệt, một sự kiện vui hơn, phấn khởi hơn sắp đến với Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Bình là nhà trường đang hoàn thiện hồ sơ để tháng 11/2017 được kiểm tra công nhận trường học đạt chuẩn Quốc gia - đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh