Tháng 9 năm 1959, trường cấp III đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập với tên gọi là trường phổ thông cấp III Ninh Bình. Đến ngày 7-11-1960, trường được vinh dự mang tên người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Lương Văn Tụy - người con anh dũng của chiến khu Quỳnh Lưu đã cắm lá cờ đỏ búa liềm ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga trên đỉnh núi Thúy. Năm học đầu tiên (1959-1960), Trường được đặt tại chùa Bát, thị xã Ninh Bình, sau đó chuyển về thôn Bích Đào, xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh (nay thuộc thành phố Ninh Bình). Lúc này, dưới sự lãnh đạo của thầy Hiệu trưởng Vũ Trần Thực, thầy và trò nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn xây dựng trường lớp, thi đua dạy tốt, học tốt. Nhà trường đã thực hiện công tác "Một hội đồng, hai nhiệm vụ", đó là ngoài làm nhiệm vụ dạy học và giáo dục, các thầy, cô giáo còn dạy bổ túc văn hóa cho các cán bộ sơ cấp, trung cấp thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của một số huyện, thị, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đóng tại thị xã Ninh Bình, nhằm nâng trình độ văn hóa từ cấp II lên hết cấp III, từ đó, hàng trăm cán bộ của tỉnh ngày ấy đã có được trình độ văn hóa cấp III từ ngôi trường này.
Giai đoạn 1965- 1975 là những năm tháng gian khổ nhưng cũng hết sức tự hào, ghi dấu những nỗ lực của thầy và trò nhà trường. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, Trường phải sơ tán về vùng nông thôn. Những địa danh như: Thư Điền, Nguyên Ngoại, áng Sơn, Kì Vĩ ở Ninh Nhất, Ninh Hòa, huyện Gia Khánh, đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành những kỷ niệm gắn bó thân thương của biết bao lớp học trò thời kỳ gian khổ ác liệt ấy, thầy và trò phải tranh thủ ngày đêm dựng trường lớp, đào hầm đắp lũy, tham gia trực chiến, đắp ụ pháo, đắp đê sông Chanh, đào kênh Quyết Thắng…, vừa giảng dạy, học tập, vừa góp phần phục vụ sản xuất và chiến đấu cùng nhân dân địa phương. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lúc này nhiều thầy giáo và hàng nghìn học sinh đã rời ghế nhà trường vào quân ngũ khi chưa tốt nghiệp, nhiều người đã từ chối cơ hội đi học đại học cả trong và ngoài nước để ra trận cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều cựu học sinh Trường Lương Văn Tụy giai đoạn này trưởng thành trong quân ngũ, sau này là tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, có nhiều đóng góp cho QĐND, CAND Việt . Cùng với đó, hàng trăm người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc gửi một phần máu xương của mình để làm nên màu xanh bình yên cho quê hương, đất nước. Trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, nhà trường vẫn thi đua dạy tốt, học tốt, đảm bảo chất lượng đào tạo, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi toàn miền Bắc.
Một giờ học tại lớp chuyên Anh. Ảnh: Quang Minh
Năm 1975, đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trường Lương Văn Tụy chuyển về thị xã Ninh Bình với khu trường mới là một nhà 4 tầng với 30 phòng học và một nhà 2 tầng gồm các phòng thực hành bộ môn. Trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuân cùng cán bộ, giáo viên nhà trường đã tập trung tâm sức vào các hoạt động giáo dục văn hóa, đạo đức, lao động hướng nghiệp và dạy nghề. Với những cố gắng và kết quả đạt được, năm 1984, trường được Bộ Giáo dục tặng Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc ngành giáo dục phổ thông cả nước và được đánh giá là một trong 9 trường tiên tiến xuất sắc của cả nước ở khối phổ thông trung học.
Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Ngay trong năm học 1992-1993, Trường THPT Lương Văn Tụy được tỉnh cho phép mở thêm hệ chuyên và xác định là trường trọng điểm chất lượng cao, nơi bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần phát hiện, vun trồng những nhân tài cho quê hương, đất nước. Lúc này, tỉnh, ngành Giáo dục đã tạo mọi điều kiện, quan tâm đầu tư cho nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ chính sách…. Các lực lượng xã hội, các bậc cha mẹ học sinh đã dành cho thầy và trò nhà trường sự động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho thầy và trò phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt, chất lượng giáo dục thường xuyên duy trì ổn định ở mức tiên tiến. Đó cũng là điều kiện để đến năm 2001, nhà trường chính thức trở thành Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy - một địa chỉ đào tạo tin cậy, niềm tự hào của nhân dân tỉnh Ninh Bình. Trước trọng trách mới, các thầy hiệu trưởng Nguyễn Anh Bảo, Phạm Văn Sơn, Phạm Văn Đằng cùng các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh nhà trường đã tập trung công sức, trí tuệ, phấn đấu không ngừng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp "trồng người" trong hoàn cảnh mới, tiếp tục giữ vững và phát huy những trang vàng truyền thống của mái trường Lương Văn Tụy.
Cùng với sự phát triển của đất nước, của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, 60 năm qua, thầy và trò Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy đã vượt qua nhiều khó khăn, kiên trì bám sát mục tiêu đào tạo, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục qua từng năm học, từng bước xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Thành tích của nhà trường được thể hiện trên nhiều mặt giáo dục toàn diện, đặc biệt nổi bật ở bề dày thành tích học sinh giỏi. Nếu như những năm đầu trường mới thành lập, cái tên Nguyễn Tử Phong, đạt giải khuyến khích môn Văn toàn miền Bắc được nhắc đến, thì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã xuất hiện thêm những gương mặt mới như Lã Nhâm Thìn, Lê Phúc Nguyên, Trần Ngọc Châu… đều đạt những thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Noi gương lớp đàn anh đi trước, những học sinh thế hệ sau luôn phát huy truyền thống hiếu học, tìm tòi, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình, khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo của ngôi trường chuyên Lương Văn Tụy. Từ năm 1993 đến nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành và lực lượng xã hội, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã phấn đấu dạy tốt, học tốt và thu được những kết quả đáng tự hào. Đó là hơn 8.000 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 1.033 giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 24 giải nhất, 196 giải nhì, 434 giải ba và 379 giải khuyến khích. Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cũng ghi tên trên trường quốc tế với 6 học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn tham gia đội tuyển dự thi Olympic Quốc tế và đạt huy chương ở các bộ môn Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp lớp 12 đạt từ 98-100%; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 90%; số học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia được tặng thưởng Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh của tỉnh hàng năm luôn chiếm số lượng lớn nhất so với các trường THPT trong tỉnh.
Trong 60 năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường đã không ngừng lớn mạnh. Đến nay, nhà trường đã có 7 Nhà giáo Ưu tú, hàng trăm giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều thầy, cô giáo đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình... Đảng bộ nhà trường liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Công đoàn, Đoàn Thanh niên của trường nhiều năm là lá cờ đầu trong khối THPT toàn tỉnh. Nhà trường cũng là cái nôi trưởng thành của hàng nghìn người lao động giỏi; hàng trăm tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; hàng trăm nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, kỹ sư, bác sĩ, cán bộ giảng dạy, giáo viên, các nhà doanh nghiệp, các nhà quản lý, lãnh đạo chủ chốt của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương… Đã có gần 20 nghìn học sinh trưởng thành từ mái trường này, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, bằng những nỗ lực phấn đấu không ngừng, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của một trường trọng điểm chất lượng cao, góp phần tạo nên những thành tích vẻ vang cho ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Bình. Trường đã được tặng hàng trăm Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh. Năm 1985, Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 1989, nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 1995, nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 1998, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2000, Trường được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới". Đặc biệt, trước thềm Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường, ngày 26/12/2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà trường.
Mỗi thành tích đạt được, mỗi bước đi lên và phát triển của Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy hôm nay luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo; sự ủng hộ, chia sẻ của các sở, ban, ngành, địa phương, các lực lượng xã hội và nhân dân trong tỉnh; sự đầu tư, chăm sóc, tạo điều kiện của các bậc phụ huynh học sinh; đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu trong giảng dạy, học tập của các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường trong suốt 60 năm qua. Càng phấn khởi và tự hào về truyền thống nhà trường, trước những vận hội và thách thức mới, thế hệ thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước, của ngành, ra sức phấn đấu hơn nữa để duy trì và phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục khẳng định vị thế là một trung tâm đào tạo chất lượng cao, cái nôi nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước, viết tiếp những trang vàng truyền thống, viết tiếp "Hành khúc Lương Văn Tụy", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
hs. Đinh Văn Khâm
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy