Cùng tham dự chuyên đề dạy học trải nghiệm sáng tạo với chủ đề "Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam" do nhóm giáo viên các bộ môn tiếng Anh, Văn học, Âm nhạc và Mỹ thuật thực hiện nhận thấy, chương trình đã được các thầy, cô giáo và các em học sinh chuẩn bị công phu với nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động phong phú như: Gói bánh chưng, trình bày mâm ngũ quả, chế biến món ăn, các tiết mục văn nghệ, thiết kế và biểu diễn thời trang áo dài, trang phục dân tộc, trang phục bảo vệ môi trường, trang trí gian hàng Hội chợ Xuân… được thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh, đã giúp học sinh được giao lưu, học tập nâng cao trình độ kiến thức, trau dồi các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, tạo cơ hội để các em học sinh thể hiện khả năng, trình độ của mình… đồng thời có không gian vui chơi, giải trí sau thời gian học tập căng thẳng.
Cô giáo Nguyễn Thị Phong Lan, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho rằng, để thực hiện chuyên đề liên môn dạy học trải nghiệm sáng tạo với chủ đề "Bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam", các tổ bộ môn tham gia chuyên đề phải xác định được mục tiêu hoạt động bằng việc khảo sát nhu cầu của học sinh các khối 6,7,8,9 để thiết kế phù hợp với chương trình học và lứa tuổi học sinh, giúp các em vận dụng hiểu biết để giải quyết các tình huống thực tiễn trong cuộc sống một cách dễ dàng và thuận lợi. Đồng thời xác định được đề tài của chuyên đề nhằm thể hiện rõ ràng, chính xác chủ đề, mục tiêu của hoạt động, tạo tâm lý hứng khởi, tích cực cho học sinh. Cùng với đó phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn tham gia dạy học liên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn học sinh thực hiện theo các hoạt động phân nhóm tìm thông tin, thu thập xử lý thông tin, phát triển và làm sản phẩm. Bước cuối cùng là hoạt động báo cáo đánh giá kết quả học tập về hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo
Được biết, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được hầu hết học sinh và phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Bởi bằng hình thức dạy học này, học sinh phải chủ động ở mọi khâu, từ phác thảo ý tưởng, lên kịch bản, dàn dựng, phân vai, tập duyệt… Thầy cô giáo chỉ là người góp ý để hoàn thiện kịch bản và tham gia tổng duyệt trước khi biểu diễn. Qua các hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp học sinh hình thành được một số kỹ năng, mà còn giúp các em hiểu được ý nghĩa của sự lao động, sáng tạo khi tự làm ra một sản phẩm mà mình đăng ký và tâm huyết.
Cô giáo Trịnh Thị Vân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với trường THCS Lê Hồng Phong, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo đã được thực hiện từ nhiều năm nay, cho thấy hiệu quả thực sự và được các em học sinh hăng hái tham gia. Hàng năm, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cho các tổ, nhóm chuyên môn hội ý thống nhất các nội dung để tổ chức các chương trình học tập trải nghiệm sáng tạo và học ngoại khóa tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…
Đánh giá qua các buổi ngoại khóa, các phương pháp học trải nghiệm sáng tạo, các em học sinh đều rất hứng thú với các hình thức dạy học này. Đây là một biện pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dạy học nói chung và dạy học môn ngoại ngữ nói riêng - bởi những trải nghiệm của các em không chỉ khơi dậy những xúc cảm cá nhân trong khám phá các môn học, mà còn hình thành và rèn luyện những năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong cuộc sống, giúp cho các môn học đến gần với thực tế đời sống hơn.
Hạnh Chi