Thành công bước đầu khi triển khai Dự án là động lực để Ban Giám hiệu Trường THCS Khánh Trung quyết tâm duy trì CLB chèo truyền thống trong nhà trường, đưa hát chèo giảng dạy lồng ghép trong môn học âm nhạc cho các khối lớp.Đồng chí Bùi Ngọc Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Trung cho biết: Tiếp nhận Dự án "Sân khấu học đường", Trường THCS Khánh Trung triển khai 3 tiết mục Đò đưa, Sắp mưa ngâu, trích đoạn "Thầy đồ dạy học" thuộc vở chèo cổ Tôn Mạnh, Tôn Trọng; với 20 học sinh tham gia thuộc khối 7, 8. Thuận lợi của nhà trường trong thực hiện Dự án đó là việc chọn nhân tố tham gia dự án vì xã Khánh Trung là một trong những nơi có truyền thống về nghệ thuật múa hát chèo. Trong quá trình triển khai tập luyện, nhà trường được các thầy cô ở Đoàn chèo Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nên các em học sinh đã tiếp nhận các làn điệu chèo, cách biểu diễn trên sân khấu rất nhanh và thành thục về lời, khớp nhạc và các động tác khi diễn xuất. Từ dự án này, phong trào văn hóa, văn nghệ trong nhà trường được đẩy mạnh, học sinh thấy được nét đẹp và cảm thụ được các giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo truyền thống, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, giúp các em nhận thức được trách nhiệm phải chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, đội văn nghệ truyền thống của nhà trường luôn duy trì trên 10 học sinh tham gia luyện tập, sinh hoạt, hàng năm nhà trường luôn có học sinh đạt các danh hiệu, phần thưởng cao trong các kỳ thi văn nghệ ngành giáo dục-đào tạo và tham gia các hội diễn nghệ thuật của địa phương.
Em Phạm Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 6A, Trường THCS Khánh Trung là 1 hạt nhân lớp nghệ sĩ hát chèo trẻ của trường, của xã, đạt nhiều thành tích trong tham gia nghệ thuật tại địa phương. Quỳnh chia sẻ: Em rất thích được học và hát các làn điệu chèo truyền thống.
Khi vào trường THCS, em được tham gia đội văn nghệ truyền thống của trường, được tập luyện, đã biểu diễn thành thục các làn điệu, các trích đoạn chèo cổ trong dự án "Sân khấu học đường". Em mong muốn được học nhiều làn điệu chèo cũng như được thử sức với nhiều vai trong các trích đoạn chèo khác.
Theo nghệ sỹ chèo quần chúng Phạm Thị Thêu, Chủ nhiệm CLB chèo xóm 3, xã Khánh Trung, là người thường xuyên phối hợp với nhà trường để giảng dạy nghệ thuật hát chèo cho học sinh các khối lớp trong Trường THCS Khánh Trung: Hiện nay, bà đang phối hợp với Trường THCS Khánh Trung hàng tuần đang tập luyện cho đội văn nghệ truyền thống của nhà trường biểu diễn nhuần nhuyễn 5 làn điệu chèo cổ gồm Đò đưa, Sắp mưa ngâu, Vu quy, Dương Kinh, Lới Lơ cùng các trích đoạn "Thầy đồ dạy học" thuộc vở chèo cổ Tôn Mạnh, Tôn Trọng; "Thị Mầu lên chùa - Xã trưởng, Mẹ Đốp, Việc làng" nằm trong chèo cổ "Quan âm Thị Kính".
Tuy nhiên, để hát chèo hay, ngoài năng khiếu, các em còn phải nắm được những đặc trưng của chèo. Trong đó, đặc trưng nổi bật của chèo là sự hòa quyện nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố hát, múa, nhạc, kịch; ngôn ngữ chèo thường là đa thanh, đa nghĩa kết hợp với lối ví von mang âm hưởng của ca dao, tục ngữ; nhân vật trong chèo mang tính ước lệ, chuẩn hóa với tính cách và tâm lý không thay đổi trong suốt vở diễn; lời thoại các tích chèo xưa thường chứa nhiều từ cổ, đôi khi lạ lẫm với tầm nhận thức của học sinh.
Vì thế, để học sinh dễ tiếp nhận các làn điệu chèo, người truyền dạy vừa truyền dạy vừa phải diễn đạt lại lời thoại theo ngôn ngữ hiện đại cho học sinh dễ hiểu. Ngoài diễn lại các tích chèo cổ, đội văn nghệ nhà trường còn dàn dựng được nhiều vở chèo mới với nội dung phong phú về tình thầy trò, mái trường, bạn bè, nông thôn đổi mới…
Theo thầy giáo Bùi Ngọc Đức, Hiệu trưởng nhà trường thì: Hiện nay, khó khăn đối với nhà trường trong giảng dạy nghệ thuật hát chèo đó là chưa xây dựng được giáo án bài bản về môn học bởi mới chỉ lồng ghép trong các tiết học âm nhạc; thiếu giáo viên chuyên dạy về chèo; có nhiều học sinh đam mê nghệ thuật truyền thống địa phương nhưng số học sinh có năng khiếu, hát hay, say mê với bộ môn cũng còn chưa nhiều.
Mặt khác, do đặc trưng của chèo phải có đội nhạc công thường gồm 5 đến 10 nghệ sỹ biểu diễn đàn tam thập lục, bầu, nhị, trống, sáo, đàn tranh…, nhà trường chưa có kinh phí đầu tư đồng bộ để có thể đầu tư đội nhạc công chuyên phục vụ cho lớp hát chèo.
Mỗi lần biểu diễn, giảng dạy nhà trường phối hợp với CLB chèo xã cả về giáo viên giảng dạy và nhạc cụ biểu diễn để học sinh có điều kiện được học, cảm nhận rõ nét về môn học, học sinh có thể hát đúng, biểu diễn khớp các làn điệu với nhạc cụ, thể hiện sự đa dạng, phong phú của các tích chèo cổ.
Để các em học chèo có thể biểu diễn tự tin, thuần thục trong luyện tập, biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu, nhà trường huy động từ nguồn xã hội hóa đầu tư trang phục cho đội văn nghệ truyền thống nhà trường.
Bài, ảnh: Tiến Minh