Những năm qua, Trường THCS Khánh Hải đã không ngừng phấn đấu vươn lên dạy tốt, học tốt. Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, song đội ngũ giáo viên nhà trường luôn khắc phục khó khăn, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Do vậy, chất lượng giáo dục đạo đức và văn hóa của nhà trường thời gian gần đây liên tục được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đánh giá cao.
Thầy giáo Phạm Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hải cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là ổn định tình hình học tập, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường đã phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; tham gia tích cực các phong trào: "Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục"; "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"; "Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo", đặc biệt là tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...; phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức chuyên đề được nhà trường đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc.
Các giáo viên trong trường nêu cao ý thức tự giác trong việc tự học, tự rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, Trường có 22 giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó 86% số giáo viên có trình độ trên chuẩn; 70,4% số cán bộ, giáo viên là đảng viên.
Có thể khẳng định, chất lượng của giáo viên đã có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của học sinh. Từ một ngôi trường trước kia luôn đứng tốp cuối về chất lượng giáo dục của huyện, nay đã vươn lên giành nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong 3 năm học qua, học sinh có học lực khá, giỏi chiếm từ 45-55%; 97-99% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt. Chất lượng mũi nhọn của nhà trường cũng tăng qua từng năm.
Từ năm 2011 đến nay, nhà trường có 101 giải học sinh giỏi cấp huyện, 8 giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2013-2014, học sinh lớp 9 của trường đỗ vào lớp 10 THPT công lập đứng thứ 38/142 trường THCS của tỉnh. Trong giáo dục đạo đức, nhà trường đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể và phụ huynh học sinh trong việc quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, chủ động ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Ngoài việc trao đổi thông tin hai chiều giữa gia đình và nhà trường thông qua sổ liên lạc, giáo viên chủ nhiệm còn chủ động tới nhà của học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cùng gia đình bàn biện pháp giúp đỡ, giáo dục học sinh có hiệu quả.
Hàng tuần, các lớp tổ chức sinh hoạt lớp, trường duy trì đều nề nếp chào cờ đầu tuần và sinh hoạt tập thể hàng tháng với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, có tác dụng giáo dục đạo đức cho học sinh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, hoạt động ngoài giờ, tham gia chăm sóc di tích lịch sử, quét dọn nghĩa trang liệt sỹ, hoạt động nhân đạo từ thiện cũng đã được nhà trường, các đoàn thể quan tâm, góp phần hình thành lối sống lành mạnh cho học sinh.
Cùng với những cố gắng trong nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường không ngừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tạo môi trường học tập thuận lợi nhất cho học sinh. Tháng 5-2014, nhà trường xây mới dãy nhà cao tầng quy mô 10 phòng với đầy đủ các trang thiết bị do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tài trợ, tổng kinh phí đầu tư là 7 tỷ đồng. Đến nay, nhà trường có 5 phòng học bộ môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Tiếng Anh); 1 phòng vi tính có 18 máy, 1 máy chiếu...; khuôn viên, sân chơi, bãi tập đảm bảo đúng quy định, khang trang, sạch đẹp. Thư viện của Trường đạt thư viện tiên tiến năm 2010 với gần 3 nghìn đầu sách được sử dụng thường xuyên.
Năm học này, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng để nâng cao chất lượng mũi nhọn; tranh thủ mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; tiếp tục thực hiện các phong trào, cuộc vận động để có bước tiến vững chắc hơn nữa trong những năm học tới.
Bài, ảnh: Hà Mi