Thăm quan các lớp học trong Trường Mầm non Hồi Ninh, điều gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi đó chính là những mô hình đồ dùng, đồ chơi tự làm của các cô giáo. Từ hình con vật ngộ nghĩnh, những mô hình vật dụng trong sinh hoạt gia đình nho nhỏ, xinh xinh, những bông hoa đủ màu khoe sắc trong khu vườn mùa xuân…, điều đặc biệt là những mô hình sống động đó đều được làm từ những phế liệu. Từ những vỏ hộp sữa chua, các cô giáo có thể tạo ra bộ bàn ghế, từ vỏ chai nước ngọt được chế tạo mô hình chiếc máy xay sinh tố, từ những sợi rơm vàng óng cho ra đời những con tôm sinh động… Tất cả những mô hình đều sống động, đẹp mắt. Mỗi cô giáo một sự sáng tạo để tạo ra những đồ dùng, đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ song điểm chung của các mô hình này đó là đều thể hiện được niềm đam mê yêu nghề, mến trẻ, sự khéo léo, sáng tạo và tinh thần bền bỉ của mỗi cô giáo mầm non. Cô giáo Vũ Thị Chiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồi Ninh cho biết, Đồ chơi có ý nghĩa rất quan trọng với trẻ, giúp trẻ tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh, giúp các em làm quen với những đặc điểm, tính chất của nhiều đồ vật, biết được công dụng của chúng trong sinh hoạt và trong lao động của con người. Hiện nay, đồ chơi cho trẻ mầm non có rất nhiều trên thị trường, tuy nhiên không có nhiều đồ chơi phù hợp với việc giáo dục trẻ. Mặt khác, do nguồn kinh phí hạn chế nên số lượng đồ dùng, đồ chơi mà nhà trường mua sắm được hàng năm rất ít. Muốn có được những tiết học sinh động, thu hút các bé, giúp các bé thêm hứng thú mỗi ngày đến trường thì nhà trường rất khuyến khích giáo viên say mê sáng tạo, tạo ra những đồ dùng, đồ chơi ngộ nghĩnh, có sự kích thích sáng tạo ở trẻ.
Trong sinh hoạt của mỗi gia đình cũng có nhiều những phế thải bỏ đi như lon bia, vỏ hộp sữa, vỏ chai dầu gội đầu, vỏ ốc, đĩa CD, các loại vỏ hộp, thùng giấy… trên cơ sở đó nhà trường phát động giáo viên thu gom vật liệu có thể sử dụng để làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ; xử lý vệ sinh, phơi khô, phân loại các vật liệu… để giúp giáo viên của nhà trường tự làm được đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ, nhà trường cung cấp tài liệu hướng dẫn làm để giáo viên tham khảo cách làm. Mỗi giáo viên lại có sự sáng tạo, niềm say mê riêng để cho ra đời các món đồ chơi ý nghĩa. Hàng năm, vào dịp khai giảng và kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là nhà trường lại phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi tới toàn thể giáo viên trong nhà trường.
Những ngày đầu phát động phong trào này,chỉ có số ít giáo viên chịu khó sáng chế ra các đồ chơi cho trẻ, sau đó thêm nhiều cô giáo khác cũng bắt tay hưởng ứng nên phong trào tự làm đồ dùng dạy học của các khối lớp càng thêm sôi nổi. Các cô giáo làm đồ chơi theo chủ đề, chủ điểm như: đồ lao động gắn bó với người dân nông thôn như: đồ dùng trong gia đình; con vật sống dưới nước như tôm, cá… tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi sản phẩm là một sự sáng tạo, mang dấu ấn, màu sắc riêng của mỗi giáo viên. Đến nay, phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi đã thu hút sự tham gia của tất cả giáo viên. Ngoài ra, giáo viên còn hướng dẫn, thu hút trẻ cùng tham gia vào quá trình thực hiện làm đồ chơi nhằm giúp trẻ bộc lộ tư duy, trí tưởng tượng, sáng tạo, giúp trẻ biết trân trọng, gìn giữ những món đồ chơi hơn.
Tham gia vào giờ học của cô và trò lớp 3 tuổi, chúng tôi mới thấy hết được sự hào hứng của trẻ khi được tận mắt nhìn thấy các con vật mà mình yêu quý. Cô giáo Phạm Thị Huyền nói, trẻ em rất háo hức quan sát mọi thứ xung quanh. Nếu chỉ nói bằng lời thì trẻ không hứng thú và khó hiểu song bằng các tiết học sinh động với những hình ảnh sống động thì việc dạy cho trẻ làm quen với biểu tượng toán sơ đẳng, học âm nhạc, nhận biết môi trường sống xung quanh… trở nên hiệu quả hơn. Mặt khác, khi món đồ chơi do cô giáo tự tay làm ra thì sẽ cảm thấy dễ truyền thụ kiến thức cho trẻ hơn và lại phù hợp với nội dung và chủ đề của các bài dạy, giúp trẻ hứng thú, tích cực hơn trong các hoạt động so với các đồ dùng dạy học mua sẵn. Với ý nghĩa đó, nhiều phụ huynh còn giúp giáo viên sưu tầm và đóng góp vật liệu cho giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi dạy học.
Nguyễn Hùng