Trường Mầm non Gia Thanh có gần 300 cháu gồm cả mầm non và nhà trẻ, được học ở 3 điểm trường. Tuy chưa học tập trung, song tất cả các điểm trường đều được xây dựng đạt chuẩn quốc gia từ năm 2015, vì vậy cơ sở vật chất khá khang trang, thuận lợi cho việc dạy và học tại trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Thập, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thời điểm giao mùa khiến trẻ dễ bị ốm, nhất là vào mùa đông, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao vì sức đề kháng của trẻ còn yếu. Tuy nhiên, căn cứ vào biểu đồ thời tiết trong ngày, chúng tôi vẫn tổ chức các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời cho các bé tăng cường vận động. Những động tác thể dục nhẹ nhàng sẽ góp phần nâng cao thể lực và tạo tâm lý thoải mái, hào hứng cho các bé. Tất nhiên thời gian cho trẻ hoạt động ngoài trời được rút ngắn hơn những ngày bình thường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn nhắc nhở các cô giáo trực tiếp chăm sóc trẻ phải quan tâm, cẩn trọng và sát sao trong việc quản lý trẻ hơn. Bởi lẽ, ở bậc học mầm non, trẻ rất hiếu động, vì vậy, nhiệt độ cơ thể có thể tăng, giảm đột ngột do tỷ lệ với các hoạt động vui chơi. Trong khi đó, bản thân trẻ chưa có ý thức trong việc biết điều chỉnh trang phục cho phù hợp. Vì vậy, các cô giáo phải sát sao mới nắm hết được thể lực, tình hình sức khỏe của các em. Khi nóng thì cô phải giúp trẻ cởi bớt áo, nghỉ ngơi một lúc thì lại phải cho trẻ mặc thêm áo... Nếu chỉ lơ là một chút có thể khiến trẻ bị cảm lạnh hoặc nóng quá làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cô giáo Vũ Thị Hải Linh, giáo viên lớp 5 tuổi B chia sẻ, lớp 5 có trên 30 cháu, nhưng chỉ có 2 cô phụ trách lớp, vì vậy, mỗi cô đều phải đảm nhận khối lượng công việc tương đối nhiều. Theo đó, hàng ngày giáo viên đến lớp sớm hơn để vừa dọn dẹp, vừa mở cửa cho thông thoáng, khi đón trẻ phải đóng hết cửa để giữ ấm nhiệt độ phòng; chuẩn bị nước ấm để trẻ uống và vệ sinh. Đặc biệt, trẻ 5 tuổi đã có nhận thức khá tốt, vì vậy bên cạnh việc chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ thì một nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng tôi phải giáo dục, dạy cho trẻ biết cách nhận biết về thời tiết, về đặc điểm của từng mùa để trẻ có ý thức thích ứng phù hợp từ trang phục đến ăn uống… Đặc biệt, các cô không chỉ nói bằng lời mà còn tự sáng tạo, thiết kế các đồ chơi, đồ dùng phục vụ cho việc học tập với chủ đề về quan sát thiên nhiên, thời tiết.. thông qua các hình ảnh sinh động về ông mặt trời, về mây, về mưa… giúp trẻ có hứng thú, hăng say tìm hiểu về thiên nhiên.
Một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ tốt nhất đó là đảm bảo vệ sinh, khẩu phần dinh dưỡng trong các bữa ăn cho trẻ. Bởi vậy mà tại nhà bếp, bếp ăn tập thể luôn được nhà trường dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ. Các thực đơn được xây dựng cho trẻ theo tuần và thay đổi thực đơn theo mùa cho phù hợp. Nhà trường coi trọng việc ăn chín uống sôi, lựa chọn, đặt mua các thực phẩm tươi sạch, an toàn, rõ nguồn gốc. Thức ăn được nấu chín, đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến… Cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Thập cho biết thêm, vì nhà trường không có biên chế nhân viên nhà bếp nên đã phải huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để thuê 6 nhân viên nấu bếp. Những nhân viên này là những người có kinh nghiệm trong phục vụ ở trường mầm non, những người có bằng trung cấp nấu ăn và tâm huyết với công tác chăm sóc trẻ. Nhà trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền để đội ngũ nhân viên nhà bếp nâng cao kỹ năng tay nghề, kiến thức về an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn, chất lượng cho mỗi bữa ăn.
Một khó khăn lớn đối với Trường Mầm non Gia Thanh trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ là tình trạng thiếu nhân viên y tế. Trong khi đó, các bậc phụ huynh của trẻ đa phần đi làm công nhân ở KCN Gián Khẩu nên dù con có ốm, họ cũng vẫn phải mang đến lớp gửi vì ở nhà không có ai trông giữ. Vì vậy, trách nhiệm của các cô giáo trực tiếp đứng lớp là vô cùng quan trọng. "Hàng năm, Nhà trường luôn tranh thủ sự hỗ trợ, tập huấn về chuyên môn của ngành y tế và cử giáo viên tham gia đầy đủ. Bên cạnh đó, nhà trường luôn khuyến khích, động viên các cô giáo chủ động nghiên cứu, học hỏi qua đồng nghiệp và tài liệu sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ; những cách sơ cứu cơ bản khi trẻ gặp tai nạn thương tích… Mỗi cô giáo đều phải đảm nhận nhiều vai trò: vừa là người thầy, người mẹ, người thầy thuốc… trong một ngày chăm sóc trẻ ở trường - đó là một áp lực không hề nhỏ đối với tập thể giáo viên trong trường. Nhưng vượt lên trên tất cả, bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo Trường Mầm non Gia Thanh đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh trong và ngoài xã.
Bài, ảnh: Đào Hằng