Nhà giáo Phạm Đức Hợp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Thực hiện Bản ghi nhớ về "Chương trình hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và tỉnh U- Đôm-Xay, nước Cộng hòa DCND Lào" được lãnh đạo hai tỉnh ký kết ngày 6/12/2009, nhà trường đã làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp nhận và đào tạo lưu học sinh Lào… Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác đào tạo lưu học sinh Lào và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu học sinh Lào học tập, Trường Đại học Hoa Lư đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, tập trung vào việc xây dựng và ban hành Quy chế về quản lý lưu học sinh Lào phù hợp với tình hình thực tế của trường và của tỉnh, đáp ứng yêu cầu học tập và sinh hoạt của lưu học sinh Lào tại trường.
Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Trường Đại học Hoa Lư tiếp nhận 10 lưu học sinh của tỉnh U-Đôm- Xay sang học tập. Trước khi vào học, lưu học sinh Lào được gửi đi học tiếng Việt tại Trường Hữu Nghị T78 (Hà Nội). Thời gian học tiếng Việt là 11 tháng, trong đó tiếng Việt căn bản học 9 tháng, tiếng Việt chuyên ngành học 2 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiếng Việt, lưu học sinh Lào được Trường Đại học Hoa Lư bố trí vào học các ngành đào tạo trình độ đại học dựa trên cơ sở kế hoạch, yêu cầu của tỉnh U-Đôm-Xay, Bộ Giáo dục & Thể thao Lào, nguyện vọng của lưu học sinh Lào và tình hình thực tế tuyển sinh của Trường. Hiện lưu học sinh Lào đã và đang học các ngành đào tạo trình độ đại học, bao gồm: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Việt Nam học, Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Hóa, Sư phạm Sinh, Giáo dục Mầm non.
Việc tổ chức đào tạo chuyên môn cho lưu học sinh Lào được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và chương trình, kế hoạch đào tạo của Trường Đại học Hoa Lư. Lưu học sinh Lào được tổ chức đào tạo tại các khoa như đối với sinh viên Việt Nam, học chung với sinh viên Việt Nam. Nhằm khắc phục hạn chế về tiếng Việt khi nghe giảng trên lớp của lưu học sinh Lào, nhà trường đã chỉ đạo các giảng viên quan tâm giúp đỡ các em cách sử dụng tài liệu học tập, ghi chép trên lớp, giải thích các thuật ngữ khó; chỉ đạo các khoa, bộ môn có kế hoạch phụ đạo ngoài giờ lên lớp cho các em, giúp các em cải thiện chất lượng học tập, nắm vững hơn kiến thức chuyên ngành. Một số giảng viên căn cứ vào thực tế giảng dạy đã điều chỉnh cách thức kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với năng lực, trình độ kiến thức và văn hóa của lưu học sinh Lào, qua đó tạo được hứng thú học tập của các em.
Công tác thực hành, thực tập của lưu học sinh Lào cũng được Ban Giám hiệu nhà trường, các khoa, bộ môn chú trọng quan tâm, đảm bảo vừa sức, phát huy tốt nhất năng lực, kiến thức của sinh viên, giúp các em tự tin, thoải mái trong thực tập nghề. Với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, cùng với sự nỗ lực của bản thân, phần lớn lưu học sinh Lào đã vượt qua những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ và văn hóa để hòa nhập và tiếp cận được với chương trình đào tạo hiện nay của nhà trường. Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Hoa Lư đã thực hiện việc dạy thay thế các học phần tiếng Anh bằng học phần tiếng Việt nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng vốn tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, đáp ứng yêu cầu học tập của lưu học sinh Lào. Kết thúc khóa học, lưu học sinh Lào được thi tốt nghiệp, công nhận và cấp bằng tốt nghiệp theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho lưu học sinh Lào được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt nhất, tất cả lưu học sinh Lào được bố trí chỗ ở tại ký túc xá sinh viên với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, học tập. Nhà trường đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng ở thuộc khu ký túc xá số 2 đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn phòng ở dành cho lưu học sinh nước ngoài.
Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường cũng tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh Lào hòa nhập với môi trường, cuộc sống tại Việt Nam. Theo đó, BCH Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đã phân công các chi đoàn, chi hội thành lập các nhóm đoàn viên, hội viên hỗ trợ lưu học sinh Lào học tiếng Việt thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, trải nghiệm xã hội, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp tiếng Việt và kỹ năng sống vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, như: mời sinh viên Lào đến nhà người Việt Nam chơi sau để các em trò chuyện, tìm hiểu văn hóa, phong tục của Việt Nam; tổ chức cho lưu học sinh Lào tham gia các cuộc thi, hội thi, các chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, tham gia các hoạt động thể dục thể thao với sinh viên Việt Nam, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của nhân dân các bộ tộc Lào như Tết Boun Pimay, ngày Quốc khánh Lào 2/12...
7 năm qua (từ năm 2011 đến nay), đã có 7 khóa sinh viên được tiếp nhận đào tạo tại Trường Đại học Hoa Lư với 70 lưu học sinh Lào, trong đó có 2 khóa lưu học sinh Lào với 20 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường và đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh U-Đôm-Xay và các tỉnh thuộc Lào. Hầu hết lưu học sinh Lào có kết quả học tập, rèn luyện tốt, cuối năm học đều được Nhà trường xét khen thưởng. Đã có 15 lưu học sinh Lào được Hiệu trường nhà trường tặng Giấy khen về thành tích học tập và rèn luyện.
Ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Hoa Lư trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào, năm 2013, Nhà nước Lào đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà trường.
Thời gian tới, Trường Đại học Hoa Lư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào. Tập trung các nguồn lực, nghiên cứu mở thêm ngành đào tạo mới; rà soát, bổ sung thêm các môn học tự chọn phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tình hình phát triển kinh tế- xã hội Lào; tăng cường bồi dưỡng năng lực Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào; sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất khu nội trú, đáp ứng nhu cầu các hoạt động học tập, sinh hoạt của lưu học sinh Lào; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý lưu học sinh Lào; tăng cường công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm với các trường có đào tạo lưu học sinh Lào ở Việt Nam để tiếp thu các mô hình quản lý, chương trình đào tạo tiên tiến, áp dụng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào.
Mỹ Hạnh